Thứ sáu, 19/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ tư, 15/09/2021

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 có diễn biến hết sức phức tạp, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững đã giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân.

 
Mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Khánh Trung (Yên Khánh).
 
Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Xuân Tiến, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh có diện tích đất nông nghiệp hơn 285 ha, trong đó đất lúa 235 ha, còn lại là đất chuyển đổi sang các cây trồng có giá trị. 
 
Để xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững, HTX đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp, qua đó giúp thành viên tiêu thụ sản phẩm. 
 
Trong sản xuất lúa, HTX đã ký hợp đồng với Công ty Bảo Minh, Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty Giống cây trồng 1, Công ty An Thành Phong sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa đặc sản và lúa giống với quy mô 200 ha/năm. Khi tham gia liên kết, các công ty đã cung ứng toàn bộ vật tư đầu vào và thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra cho thành viên HTX. 
 
Cùng với sản xuất lúa, HTX đã khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị cao như: ổi lê Đài Loan, mướp đắng, bí xanh... theo kế hoạch. Rau quả là những nông sản dễ bị hư hỏng, thời gian bảo quản ngắn, do vậy trước khi vào vụ sản xuất HTX đều tìm các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm và khảo sát, tính toán nhu cầu thực tế của thị trường. 
 
Các thành viên đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn, từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học mà sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn đến đơn vị thu mua. 
 
Nhờ quy hoạch gọn vùng và ký hợp đồng với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua nên hoạt động của HTX được đánh giá là hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên. Ước doanh thu bình quân 1 năm từ các hoạt động của HTX đạt hơn 5 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ liên kết sản xuất lúa đạt từ 0,8-1 tỷ đồng.
 
HTX sản xuất và tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa chuyên sản xuất, kinh doanh các loại nông sản là cá chạch sụn, rau rút, rau cần và chuối tây Thái Lan. Hiện HTX đã tổ chức ký kết các hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu trên 30 tấn cá chạch sụn thương phẩm với các doanh nghiệp. 
 
Trong đó, liên kết với Công ty TNHH Thỉnh Ca tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định sản xuất theo chuỗi khép kín từ cung ứng sản phẩm đầu vào: giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho cá trạch đến thu hoạch, sơ chế, sấy khô, đóng góp và gắn với tiêu thụ sản phẩm đầu ra phục vụ cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Từ hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất, hoạt động của HTX ngày càng phát triển, diện tích nuôi cá trạch sụn hiện đã nâng lên hơn 8 ha.
 
 
Ông Mai Quang Kìn, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa chăm sóc diện tích nuôi chạch sụn.
 
Ông Mai Quang Kìn, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa cho biết: Khi doanh nghiệp ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm thì cả ba bên là doanh nghiệp, HTX, nông dân cùng có lợi. 
 
Theo đó, HTX vừa quản lý chất lượng và làm đầu mối thu mua có lợi nhuận; nông dân bán lúa giá cao hơn so với cách sản xuất trước đây. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.
 
Xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các tổ hợp tác, HTX, hộ dân, cá thể, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm đặc trưng, lợi thế.
 
Trong đó, tập trung thực hiện hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thành lập mới; phối hợp đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ; tập huấn, hướng dẫn đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; tăng cường liên kết đưa cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp.... 
 
Đến nay, Ninh Bình có 74 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 46 chuỗi trồng trọt, 20 chuỗi chăn nuôi và 8 chuỗi thủy sản. 
 
Số HTX tham gia chuỗi liên kết là 137 HTX. Tổng diện tích liên kết hàng năm là 2.756 ha với hơn 122 nghìn tấn sản phẩm đã được cung ứng thông qua các hợp đồng liên kết, giá trị ước đạt trên 641 tỷ đồng. 
 
Liên kết sản xuất theo chuỗi đã góp phần thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và tránh tình trạng được mùa, mất giá, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới.
 
Với những lợi thế sẵn có, thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% tổ chức kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các hộ thành viên. 

H.Giang

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4484177

Trực tuyến: 90

Hôm nay: 1883

Hôm qua: 7507