Với những hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước và sự chủ động của các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã mang lại kết quả xuất khẩu đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Regis
Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong và ngoài nước do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các Đề án xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, mở rộng, tìm kiếm thị trường nước ngoài. Việc tổ chức phổ biến nội dung các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn về thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông sản phần lớn xuất khẩu sang các thị trường chịu tác động lớn của dịch COVID-19 như Nhật Bản, EU và thị trường các nước Liên minh kinh tế Á - Âu.
Lãnh đạo Sở Công thương cho biết: Mức phí vận chuyển trung bình hiện nay cao gấp 4 đến 5 lần so với trước thời điểm quý IV năm trước. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ làm gia tăng chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu cũng như đời sống của người lao động.
Để xuất khẩu tăng trưởng ổn định, trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh, Bắc Ireland (UKVFTA). Đồng thời, tỉnh đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần quan trọng khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Ninh Bình đã tiếp nhận 23 bộ hồ sơ thương nhân và cấp trên 2.500 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho hàng hóa của doanh nghiệp Ninh Bình và các tỉnh lân cận để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước thuộc Liên minh Châu Âu…qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tỉnh.
Với những nỗ lực từ phía Nhà nước và doanh nghiệp, tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt trên 1.297,8 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 54,1% kế hoạch năm. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Quần áo các loại đạt 149,0 triệu USD; xi măng, clanke đạt 326,7 triệu USD; giầy dép các loại đạt 294,3 triệu USD; camera và linh kiện điện thoại 386,4 triệu USD; linh kiện điện tử 31,0 triệu USD...
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh tăng khá như: Quần áo các loại 28,4 triệu chiếc, tăng 33,3%; hàng thêu ren 102,5 nghìn chiếc, gấp 2,1 lần; sản phẩm cói khác 895,4 nghìn sản phẩm, gấp 2,2 lần; xi măng, clanke 8,7 triệu tấn, tăng 39,9%; camera và linh kiện 120,6 triệu sản phẩm, tăng 74,2%; giầy dép các loại 28,8 triệu đôi, tăng 47,1%; cần gạt nước 7,2 triệu chiếc, tăng 51,8%; kính quang học 851,1 nghìn chiếc, tăng 40,5%...
Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức giảm sút so với cùng kỳ như: Dứa, dưa chuột đóng hộp 4,7 nghìn tấn, giảm 35,1%; nước dứa cô đặc 239 tấn, giảm 60,0%; thảm cói 12,4 nghìn m2 , giảm 63,2%; găng tay các loại 2,1 triệu đôi, giảm 34,7%; phôi nhôm 4,3 nghìn tấn, giảm 50,2%; đồ chơi trẻ em 4,3 triệu chiếc, giảm 5,1%...
Với mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 2.400 triệu USD, tỉnh Ninh Bình đang tích cực triển khai Đề án thương mại điện tử; kế hoạch phát triển xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước./.
NQ