Sáng 20/4 thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị lấy chủ đề "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới", được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Dự tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Nghị quyết số 81, ngày 9/1/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực KT-XH và được lập cho 10 năm. Do đó, việc quy hoạch được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 là một bước quan trọng, thể hiện "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới". Quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển KT-XH nhanh, bao trùm và bền vững, đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và người dân, phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển của cả đất nước, của từng vùng và từng địa phương với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung quán triệt nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh; Uu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả quy hoạch, nhất là tập trung nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đảm bảo tính đồng bộ, liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn.
Về cơ chế, chính sách cần tập trung xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng, các công trình hạ tầng kết nối giữa các trung tâm phát triển của địa phương với hệ thống hạ tầng quốc gia.
Về thu hút đầu tư phát triển cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó cũng cần quan tâm chăm lo công tác an sinh xã hội; Ưu tiên nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ mới, có khả năng ứng dụng cao, đặc biệt với một số ngành, lĩnh vực then chốt. Tăng cường bảo vệ môi trường; đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch; Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền. Chính phủ mong nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cũng như sự quan tâm, đồng hành của các đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, toàn xã hội và tất cả người dân.
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai trương Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
*** Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục chủ trì Hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Tại hội nghị này các đại biểu thống nhất: Thời gian qua, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch. Hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch từng bước được hoàn thiện để triển khai công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch. Các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát, xây dựng và bám sát thực hiện theo lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn của quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo nhiệm vụ được phân công.
Đến thời điểm hiện tại đã có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong; 16/111 quy hoạch đang được thẩm định; 29/111 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến. Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua có ý nghĩa quan trọng trọng việc định hình không gian phát triển dài hạn của đất nước; là cơ sở để các ngành, các vùng, các địa phương triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Nội dung quy hoạch thời kỳ 2021-2030 ngày càng chú trọng hơn về tính đa ngành, lĩnh vực, sự liên kết liên ngành, liên tỉnh và đã áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai lập quy hoạch đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, tiến độ lập quy hoạch đang bị chậm, chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn. Số lượng quy hoạch còn lại mà các Bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trong năm 2023 là rất lớn.
Các đại biểu đã tập trung phát biểu làm rõ hơn vướng mắc từ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quy hoạch; kết quả việc thực hiện nhiệm vụ rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch; những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chậm tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời kiến nghị các giải pháp kịp thời tháo gỡ, qua đó đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023,…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình, đánh giá cao các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, thiết thực, sát thực tiễn của đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Qua đó cho thấy, thời gian qua, việc triển khai các nhiệm vụ theo Luật Quy hoạch đã có những tiến bộ nhất định. Phân tích, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, hạn chế còn gặp phải, nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ được phân công; tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch. Bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng Bộ, ngành và địa phương; các tỉnh, thành phố cần lập tổ công tác chuyên trách do lãnh đạo UBND trực tiếp chỉ đạo để làm nhiệm vụ này.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo kết luận, tiếp tục xin ý kiến đóng góp để xây dựng hoàn thiện và ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để các cơ quan thực hiện.
Cẩm Ninh
Theo nbtv.vn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?