Sáng 21/8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị để thảo luận, cho ý kiến và thống nhất quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023 – 2030.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; đại biểu một số cơ quan Trung ương theo dõi Đảng bộ tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Theo đó, ngày 12/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Quy chế làm việc số 08; trên cơ sở các quy định hiện hành của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tiễn khi tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế; chỉ đạo xin ý kiến và đã tiếp thu tối đa ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. So với Quy chế làm việc hiện hành, dự thảo Quy chế làm việc mới giữ nguyên bố cục gồm 5 chương, 32 điều trong có giữ nguyên nội dung 18 điều; sửa đổi, bổ sung, thay thế một số nội dung tại 14 điều và phần căn cứ.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Bày tỏ sự thống nhất cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc mới của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đại biểu cũng góp ý cụ thể vào một số điều khoản, điểm, mục, trong đó đề nghị điều chỉnh diễn đạt ngữ, nghĩa; làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính hoặc thành lập, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật; cho chủ trương đầu tư và thu hút đầu tư; huy động sự đóng góp của Nhân dân ngoài ngân sách thực hiện các cuộc vận động lớn và mối quan hệ với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy.
Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023 – 2030, các đại biểu cho rằng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa, một số đơn vị hành chính cấp xã đã có sự thay đổi, thiếu dư địa và động lực cần thiết để tạo ra xung lực mới cho phát triển kinh tế; mặt khác, qua rà soát, một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên, quy mô dân số chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết là cần thiết để cụ thể hóa các Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, đồng thời đáp ứng yêu cầu quá trình đổi mới của đất nước, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là những giá trị di sản văn hoá - lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, xây dựng Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Thống nhất cao với đặc điểm tình hình, quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện, các đại biểu cũng tập trung phân tích cơ sở pháp luận, thực tiễn, yếu tố văn hóa, lịch sử, khoa học, tính khả thi, hợp lý và hướng phát triển lâu dài khi xác định mục tiêu cụ thể. Trong đó đến năm 2025, hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xây dựng một số xã lên phường, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh với định hướng là “Đô thị Cố đô - di sản” đồng thời hoàn thiện các tiêu chí công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, tập trung phát triển du lịch - dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế. Mở rộng địa giới hành chính, phát triển thành phố Tam Điệp theo định hướng trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ, kết nối và chuyển tiếp hài hòa, phù hợp với vùng Di sản Quần thể danh thắng Tràng An và tạo động lực phát triển vùng Đông Nam huyện Nho Quan.
Để đạt được mục tiêu này, các đại biểu cho rằng cần thống nhất quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phải xây dựng lộ trình cụ thể, đề xuất Trung ương có cơ chế đặc thù cho tỉnh; đồng thời phải tính toán đến hướng phát triển lâu dài của tỉnh. Một số đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung, điều chỉnh một số nội dung trong phần nhiệm vụ giải pháp, trong đó rà soát, sắp xếp đảm bảo đồng bộ với quy hoạch; bổ sung công tác luân chuyển cán bộ, điều chỉnh chỉ tiêu cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập, nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích đối với cán bộ nghỉ trước tuổi đối với những xã nằm trong diện phải sáp nhập.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội nghị, nhất trí với dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng thời giao cơ quan chuyên môn tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý hoàn thiện Quy chế, sớm ban hành theo quy định.
Cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023 – 2030, trình tại hội nghị, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thống nhất một số khái niệm, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh phải quán triệt sâu rộng từ tỉnh đến xã, phải coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và tất cả các địa phương chứ không phải chỉ các đơn vị phải sáp nhập, hợp nhất.
Phải nhận thức đây là vấn đề hệ trọng, chạm đến cả tâm tư, tình cảm, truyền thống văn hóa của nhân dân, đến công tác cán bộ, đến phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhất là khắc phục nguy cơ kẹt giữa các cực tăng trưởng Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng – Thanh Hóa, bị níu kéo giữa tư duy phát triển phổ biến với các giá trị độc đáo khác biệt, giữa phát triển xây dựng nông thôn mới với đô thị hóa, xây dựng đô thị văn minh. Sắp xếp, sáp nhập phải bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, mở ra không gian mới cho phát triển, xử lý mối quan hệ giữa ngắn hạn – trung hạn và dài hạn, giữa xây dựng nông thôn mới, NTM kiểu mẫu với đô thị hóa và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc độc đáo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, đề án bài bản, cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới./.
Phương Nhung
Theo nbtv.vn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?