Chiều 6/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị để thảo luận và cho ý kiến kết luận một số nội dung quan trọng. Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị
Cùng dự có đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; đại biểu một số Ban xây dựng Đảng của Trung ương; lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mai Văn Tuất phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.
Theo đó, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp; Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đề án được chỉnh sửa nhiều lần, được xây dựng dựa trên cơ sở thực trạng phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2011-2020, những tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên của tỉnh, bám sát các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chủ trương của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp. Đề án đặt mục tiêu phát triển công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và đi đôi với bảo vệ môi trường; tập trung vào 3 trụ cột là phát triển các ngành/lĩnh vực công nghiệp chủ lực gồm: cơ khí, chế tạo, thiết bị điện, điện tử, tin học; Phát triển công nghiệp hỗ trợ và phân bố lại không gian phát triển công nghiệp theo hướng tập trung vào các khu vực tập trung công nghiệp có thuận lợi về hạ tầng giao thông, logictics, và lưu thông hàng hóa, bảo đảm hài hòa với phát triển du lịch.
Để Đề án được ban hành có chất lượng, đảm bảo tính khách quan, khả thi, phù hợp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của đề án và sự cần thiết phải cơ cấu lại ngành công nghiệp. Đặc biệt là xem xét sự phù hợp của Đề án với chủ trương, chính sánh của Trung ương và của tỉnh, với Quy hoạch tỉnh, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, các quy hoạch vùng và quy hoạch khác có liên quan. Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu và phát triển công nghiệp của tỉnh, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, quan điểm, mục tiêu, định hướng, mô hình, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp, việc phân công, giao nhiệm vụ tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị
Đối với Dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, các đại biểu thảo luận cho rằng dự thảo đã bám sát chủ trương, yêu cầu của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Thống nhất cao với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nêu dự thảo kế hoạch, các đại biểu cũng đề nghị trong tổ chức thực hiện cần phải rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ hơn, trong đó cần có các giải pháp cụ thể để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 bảo đảm công phu, kỹ lưỡng, chất lượng. Đồng chí lưu ý đây là vấn đề khó, quan trọng và là nền tảng trong phát triển kinh tế của tỉnh, do đó cần diễn đạt rõ ý hơn, bổ sung, cập nhật các căn cứ pháp lý để định vị rõ công nghiệp Ninh Bình đặt trong mối quan hệ với công nghiệp cả nước. Quan điểm và mục tiêu của Đề án phải lột tả được sự kết hợp giữa phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu, trong đó theo chiều sâu làm chủ đạo, phải đưa ra được danh mục thứ tự ưu tiên, phát triển có điều tiết, giới hạn và xác định lộ trình đi tới, tham gia hội nhập sâu và tăng cường tự chủ, tối đa hóa lợi ích của địa phương, quốc gia dân tộc. Đề án phải thực sự mang tính hành động cao, là chỉ dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng chí giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến tại hội nghị, hoàn thiện Đề án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu kết luận hội nghị
Thống nhất cao với Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý thêm về nguồn lực thực hiện, có sự tích hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có giao thông nông thôn.
Cũng trong chiều 6/7, BTV Tỉnh ủy đã thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện những kiến nghị của các Đoàn thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Đoàn rà soát tại địa phương; Báo cáo kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 và công tác tổ chức cán bộ./.
Phương Nhung (THNB)
Theo nbtv.vn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?