Thứ Năm, 12/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Đoàn công tác thành viên Chính phủ làm việc tại tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 12/05/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan. 

Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Ninh Bình.

Báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm 2023 do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn trình bày nêu rõ: Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cùng sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dần ổn định và có dấu hiệu phục hồi. 

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp 4 tháng đạt trên 32 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 1,55%. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục diễn ra sôi động và  tăng trưởng cao, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 1 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ, đạt 30,7% kế hoạch năm. Tổng giá trị nhập khẩu ước đạt gần 924 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ.

Về tình hình đầu tư công: Tính đến hết tháng 4, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 do địa phương quản lý đã giải ngân đạt 23% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao. Theo thống kê của Bộ Tài chính, Ninh Bình là tỉnh đứng thứ 17/63 tỉnh thành về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Ninh Bình đã hoàn thành việc phê duyệt chủ trương đầu tư 03 dự án với tổng mức đầu tư là 137 tỷ đồng, theo đúng danh mục và mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo và giao kế hoạch cho tỉnh. Đồng thời, đã hoàn thành việc phân bổ và giao kế hoạch đầu tư của chương trình và kế hoạch đầu tư năm 2023 cho từng dự án làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Năm 2023, tổng vốn ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là gần 278 tỷ đồng. Tỉnh đã thông qua các đề án và ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng chương trình giai đoạn 2021-2025. Đã kịp thời phân bổ nguồn kinh phí cho các địa phương và các đơn vị có liên quan làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, thường xuyên đôn đốc  triển khai phân bổ cho các dự án, tiểu dự án, nội dung, hoạt động thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Về tình hình thực hiện một số dự án trọng tâm, trọng điểm: tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường ĐT.482; đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, giai đoạn I, giai đoạn II; tuyến đường Đông – Tây (giai đoạn I)…

Về tình hình phát triển nhà ở xã hội, thị trường bất động sản. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện 02 dự án nhà ở xã hội và 07 dự án nhà ở thương mại, khi hoàn thành dự kiến cung cấp cho thị trường hơn 900 căn nhà ở thương mại, gần 4.600 căn nhà ở xã hội; gần 2.300 lô đất nền.

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ những kết quả đạt được, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu. Nhất là về nguyên liệu sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, xuất khẩu, thị trường tiêu thụ, tuyển dụng lao động, nguồn vốn, công tác giải phóng mặt, quy hoạch, xây dựng khu tái định cư; phát triển nhà ở xã hội và thị trường bất động sản; triển khai thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất sinh phẩm phục vụ khám, chữa bệnh… Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng, dầu…  Nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, ổn định thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh; đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn cảm ơn các ý kiến cụ thể, sát thực tiễn, trách nhiệm của Đoàn công tác. Qua đó đã giúp tỉnh hiểu rõ hơn những việc cần tập trung lãnh đạo, xử lý, giải quyết trong thời gian tới. Tuy nhiên để thúc đẩy đầu tư phát triển, đồng chí mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả để khơi thông nguồn lực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Tăng cường quản lý giá các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ Ninh Bình trong triển khai các dự án giao thông trọng điểm nhằm mở rộng không gian, tạo dư địa cho phát triển.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Ngay từ đầu năm, Ninh Bình đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung, quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng và thi công các công trình dự án trọng tâm, quan trọng, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025 và những giai đoạn sau…

Để tạo động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án. Đối với Luật đất đai (sửa đổi), đồng chí đề nghị linh hoạt trong vấn đề thuê đất trả tiền hàng năm và thuê đất trả tiền một lần. Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh được giao, được chuyển đổi đất lúa, đất rừng; điều chỉnh quy hoạch phân khu vùng di sản Tràng An thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nếu như không làm phá vỡ cảnh quan và làm giàu thêm giá trị văn hóa, phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Trước những khó khăn hiện nay của Tập đoàn Thành Công - Doanh nghiệp có những đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm có chính sách hỗ trợ giãn nộp thuế, tiêu thụ sản phẩm nhằm xây dựng ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh và kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022  và 4 tháng đầu năm nay.

Nhấn mạnh những nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới, đồng chí đề nghị tỉnh tập trung hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án, nhất là dự án đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng. Đồng thời, tiếp tục huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng như: Tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường Đông Tây... Tiếp tục đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Mặt khác, cần phải tập trung hơn nữa trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm phục vụ trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Quan tâm, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương có các giải pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Tỉnh cần tập trung tiếp thu, hoàn thiện ý kiến của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức quản lý, thực hiện tốt các quy hoạch trên địa bàn bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Đồng chí Trần Văn Sơn cũng đã trao đổi, làm rõ các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

*** Trước đó, Đoàn công tác thành viên Chính phủ đã đi kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình một số công trình, Dự án, Doanh nghiệp và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Đoàn đã tới kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây (giai đoạn I)

Đoàn đã tới kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây (giai đoạn I) của tỉnh có quy mô xây dựng trước mắt 4 làn xe, riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao với cao tốc Bắc – Nam quy mô 8 làn xe. Tổng chiều dài toàn tuyến 22,95km. Tổng mức đầu tư 1.486 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2024. Hiện nay, UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo Chủ đầu tư yêu cầu Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn ứng khối lượng và phấn đấu thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12/2023, sớm hơn so với tiến độ được duyệt.

Kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình có tổng chiều dài 25,3km; điểm đầu tại nút giao Mai Sơn giao với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến điểm cuối tại cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Tổng mức đầu tư: 6.865 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2026. UBND tỉnh đề nghị Chính phủ giao cho tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án  theo hình thức đầu tư công.

Kiểm tra thực trạng đầu tư và hoạt động của Tập đoàn Thành Công

Kiểm tra thực trạng đầu tư và hoạt động của Tập đoàn Thành Công. Sau 16 năm xây dựng và phát triển, liên doanh ô tô Hyundai và Tập đoàn Thành Công đã có 08 dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Gián Khẩu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 12 nghìn tỷ đồng, diện tích đất sử dụng hơn 115ha, tổng công suất sản xuất, lắp ráp ô tô theo thiết kế là 180.000 xe/năm. Hiện toàn bộ 08 dự án đều đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả và có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2022, nộp ngân sách nhà nước gần 18.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 3.600 lao động.

Đoàn cũng đã tới kiểm tra hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh

Đoàn cũng đã tới kiểm tra hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Kể từ khi đi vào hoạt động Trung tâm được trang bị Hệ thống đồng bộ từ lấy số, gọi tên, tra cứu thông tin, hỗ trợ công dân bằng nhiều hình thức. Trung tâm đã thực hiện tiếp nhận, luân chuyển và trả kết quả gần 1.400 TTHC, trong đó dịch vụ công trực tuyến là gần 700. Đặc biệt, trong 25 dịch vụ công thiết yếu, Trung tâm hiện đã trực tiếp tiếp nhận, luân chuyển và trả kết quả 09 Dịch vụ với gần 40.000 hồ sơ phát sinh hàng năm. Việc cung cấp, cập nhật, công khai thông tin về thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử luôn kịp thời, chính xác, thuận tiện cho việc tra cứu, tìm kiếm của công dân./.

 Thu Dung 

Theo nbtv.vn

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?