Thứ Năm, 12/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Thứ sáu, 09/06/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng 8/6, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị sơ kết công tác Cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị có đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh; thủ trưởng một số cơ quan liên quan.

Trong 6 tháng đầu năm, công tác CCHC của tỉnh đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra và tiếp tục được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, gắn với thực hiện Chủ đề công tác năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất".

Công tác cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số… được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đem lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Nổi bật là tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, tái cấu trúc TTHC; tăng cường kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; đẩy mạnh rà soát, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh... 

UBND tỉnh đã ban hành 23 Quyết định công bố danh mục TTHC với tổng số 506 TTHC, trong đó: 283 TTHC được công bố mới, sửa đổi, bổ sung và 223 TTHC bị hủy bỏ, 100% TTHC được công khai đầy đủ, kịp thời đảm bảo đúng quy định. 

Việc giải quyết TTHC đã được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, minh bạch thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Ý thức trách nhiệm trong tổ chức thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có chuyển biến tích cực; kỷ luật, kỷ cương CCHC tiếp tục được tăng cường. 

Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, tạo môi trường làm việc hiện đại, tăng năng suất lao động, chất lượng giải quyết TTHC, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo phân tích kết quả Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2022. 

Kết quả, năm 2022 Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính của tỉnh đạt 8,17/10 điểm, xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố (giảm 8,3% và 13 bậc so với năm 2021), cao hơn Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cả nước 0,98%.

Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh đã công bố Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện năm 2022.

Theo đó, các sở, ban ngành có chỉ số CCHC xếp thứ hạng cao, đó là: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; các huyện có chỉ số CCHC xếp thứ hạng cao, đó là: Yên Mô; Kim Sơn, Yên Khánh.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong công tác CCHC của đơn vị mình, nhất là về thực trạng, khó khăn, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. 

Trong đó nhấn mạnh các giải pháp nâng cao chỉ số CCHC lĩnh vực cải cách tài chính công; lĩnh vực cải cách thể chế; giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC cấp huyện, cấp xã; giải pháp nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. 

Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; tăng cường cải cách TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm…

 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận, đánh giá rất cao những cố gắng, nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC của tỉnh 6 tháng đầu năm. 

Trong đó nhấn mạnh: Năm 2022, chỉ số CCHC tỉnh Ninh Bình xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2021, cao hơn chỉ số CCHC trung bình của cả nước 1,85%. Đáng chú ý, trong 8 lĩnh vực được đánh giá, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của tỉnh được duy trì xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố; 4 lĩnh vực tăng thứ hạng, trong đó lĩnh vực tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển  kinh tế - xã hội có sự bứt phá, tăng 31 bậc. 

Điều này cũng cho thấy sự quyết tâm cao, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo CCHC của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của cả hệ thống chính trị. Từ đó, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, ý thức trách nhiệm và phương pháp tổ chức thực hiện CCHC tại các sở, ngành, địa phương, trong từng công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phục vụ nhân dân.

Phân tích các kết quả Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2022, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục khắc phục những hạn chế. Trong đó quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức về nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện CCHC và hiệu quả do CCHC mang lại- được thể hiện rõ nét qua những thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội, trong xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh. 

Từ đó giúp cán bộ, công chức, viên chức, người dân, cơ quan, tổ chức có nhìn nhận, đánh giá khách quan, nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, cũng như tạo động lực để công tác CCHC của tỉnh được triển khai tốt hơn trong thời gian tới./.

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?