
Nằm cách thành phố Ninh Bình khoảng 7km, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thuộc vùng non nước Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình được xem là địa chỉ hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Ninh Bình. Đến Tam Cốc, du khách không chỉ được ngắm nhìn hang động kỳ thú, bồng bềnh trên chiếc thuyền nan dưới ba vòm đá xanh đó là hang Cả, hang Hai và hang Ba mà du khách còn được giới thiệu về những nhân vật lịch sử liên quan đến khu du lịch này.
Theo tài liệu “Thái Vi quốc tế ngọc ký” (bản sao chữ Hán viết từ năm Cảnh Trị thứ 5, 1667), Trần Thái Tông sau khi nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông (1258), ông đã ngoài 40 tuổi, thường đi du ngoạn khắp nơi ngắm cảnh non sông. Một ngày kia đi tới vùng Vũ Lâm, trông thấy núi non quanh quẩn trùng ngôi, liền ngọn, giữa có nham động, trong thung có ba hang, gọi là hang Cả, hang Hai và hang Ba, lại có một dải sông nhỏ gọi là sông Ngô Đồng. Vua cùng thị thần lên thuyền rẽ sóng nhẹ chở vào qua lại ba hang tấm tắc khen ngợi cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình. Nhà vua cho dựng một am nhỏ ở chỗ đất cao thuộc hang Cả làm chốn nghỉ ngơi, sau hiềm vì chỗ đất ấy chật hẹp bèn rời ra phía ngoài động (nay thuộc khu vực đền Thái Vi). Qua nguồn tư liệu trên và dấu tích nơi đây, Tam Cốc là nơi ghi dấu ấn lịch sử từ thời Trần, thuộc căn cứ địa Trường Yên trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông xâm lược lần thứ 2 (1285), là địa thể hiểm trở về mặt quân sự do địa hình nằm gần kề với vùng đồng bằng, lại giáp với con đường Thiên Lý thời xưa. Với những dãy núi non hiểm trở, những thung lũng hẹp, sâu thuận lợi cho việc chủ động phòng thủ và tiến công tiêu diệt kẻ thù. Cũng tại nhiều khu vực của Tam Cốc đã từng là chỗ dựa vững chắc cho quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954). Khi đất nước thanh bình, Tam Cốc nổi bật với ý nghĩa là danh thắng nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước.
Dòng sông Ngô Đồng
Du khách đi thăm Tam Cốc từ bến đò đình Các sẽ được ngồi trên những chiếc thuyền nan, lướt nhẹ trên dòng sông Ngô Đồng trong không gian tĩnh lặng để cảm nhận cái trong trẻo của hang động nơi đây với tiếng chèo khua nhẹ, tiếng chim hót lảnh lót buông từng nốt nhạc trong không gian hoà cùng những giọt nước rơi trong nước như cách giữ nhịp thời gian của đá núi. Theo nhịp mái thuyền, du khách sẽ được đắm mình trong màu xanh của cánh đồng lúa trải dài hai bờ sông Ngô Đồng thơ mộng, với những dãy núi trùng điệp. Dọc theo đoạn này ta sẽ bắt gặp núi Văn (núi có hình dáng như mũ quan Văn), từ đây nhìn về phía tay phải khoảng 600m là khu vực đền Thái Vi ẩn hiện sau những ngọn núi và những tán cây, tiếp đến là là những “kẽm gió” rất mát được thành bởi hai quả núi đứng sát hai bên bờ sông. Cạnh mép nước lại có “mỏ phượng” do nước lâu ngày chảy qua đã bào mòn mà tạo thành hình mỏ con chim phượng. Tiếp đến là “cửa trong” cũng được tạo thành bởi hai ngọn núi cạnh sông, tạo thành sự giao thoa giữa trời mây, sông nước và núi đá. Về mùa nước cả, nước ngập mênh mông cả ruộng đồng, cây cỏ trông như vịnh Hạ Long cạn. Khi vào đến trong hang, du khách sẽ có cảm giác mát mẻ và không khỏi ngờ ngàng trước những nhũ đá rủ xuống với rất nhiều hình thù hấp dẫn như hình những ông tiên câu cá, hình rồng, mây bay... đó chính là hang Cả, đây là hang lớn nhất và cũng là đẹp nhất của Tam Cốc, vào mùa nước lũ, nước khó có thể lên tới trần hang nên ít có sự bào mòn các nhũ đá bởi vậy mà hang Cả còn để lại nhiều nhũ đá nhất so với hang Hai và hang Ba.
Thuyền tiếp tục đưa du khách đến thăm hang Hai, hang này ngắn và hẹp hơn. Trên trần hang có nhiều nhũ đá, có chỗ tạo thành hình như mây bay rất đẹp. Nếu thuyền du khách đến đây đầu tiên, khi mặt nước chưa bị động bởi mái chèo, nhìn xuống dòng sông nước in hình những đám mây đá lung linh, huyền ảo. Nếu du khách nào ưa khám phá có thể xuôi thuyền khoảng 2 km nữa đến thăm suối Tiên. Với dòng nước trong vắt, suối Tiên có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi lượn trong các lớp rong rêu phía dưới. Tương truyền, xưa kia nơi đây thường có tiên xuống tắm nên gọi là suối Tiên. Đến hang Ba, dòng sông ở đây thu hẹp hơn và cũng nông hơn. Hai bên triền sông là ruộng trũng, kế cận là núi đá bao bọc tạo thành một thung lũng nhỏ. Vào trong hang Ba, về mùa hè khí hậu mát mẻ, mùa đông rất ấm áp.
Khi du khách thăm quan Tam Cốc sẽ đi tiếp đến chùa Bích Động. Bích Động được xếp hạng đẹp thứ hai sau động Hương Tích là “Nam thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì trời Nam). Chùa được xây dựng trên núi, cây cối xanh um, thấp thoáng ẩn hiện những vạn mái ngói rêu phong của ngôi chùa cổ.
Chùa Bích Động được xây dựng với quy mô lớn từ đầu thời Lê. Trong chùa còn có quả chuông lớn đúc từ thời Lê Thái Tổ (1428- 1433) và có những ngôi mộ tháp của các vị hòa thượng có công xây chùa. Đến thời Cảnh Hưng (1740- 1786) chùa được trùng tu, mở rộng thêm gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng theo kiến trúc kiểu chữ “Tam” thành ba ngôi chùa riêng biệt dựa vào sườn núi. Chùa được mệnh danh là “Bích Sơn bát cảnh” (tám cảnh đẹp của Bích Động).
Du khách muốn vào chùa Hạ phải qua một cầu đá ba nhịp, dưới cầu là đầm sen. Với kiến trúc 5 gian, 2 tầng 8 mái uốn cong chùa xây bằng đá tảng mài nhẵn trên nền cao dưới chân núi, trông khá bề thế. Cột thềm, lan can chủ yếu được tạo dựng từ chất liệu đá xanh. Gian giữa phía ngoài treo bức đại tự bằng chữ Hán “Mạo Cổ thần thanh” (dáng dấp ngôi chùa xưa này thiêng lắm), trong chùa thờ Phật như bao nhiêu các ngôi chùa khác của làng quê Việt Nam.
Sau khi tham quan chùa Hạ, du khách men theo phía bên phải, bước qua 80 bậc đá lên chùa Trung. Chùa có kiến trúc bán mái phía ngoài, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên, chùa gồm 3 gian thờ Phật. Phía bên trái có tấm bia “Bích Sơn thiền tự bi” (bia ghi lịch sử chùa Bích Động) dựng thời Vua Lê Dụ Tông (1705-1729), phía bên phải là tấm bia thời Cảnh Hưng tạc ngay vào sườn núi. Phía trên mái chùa Trung ở vách đá thẳng đứng được chạm khắc hai chữ Hán là “Bích Động” (có nghĩa là Động Xanh) do chúa Trịnh Sâm đã đến thăm chùa và đặt tên. Lễ Phật xong, du khách bước lên 21 bậc đá nữa là đến động Tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, bên trên cửa động có treo một quả chuông cổ bằng đồng được đúc năm Đinh Hợi (1707), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ ba, thời Vua Lê Dụ Tông. Cửa động hình cầu vồng, nhân dân thường gọi là cầu Giải Oan. Và hầu hết du khách qua đây thường thỉnh lên ba tiếng chuông ngân nga như để "giải oan" cho tâm hồn mình ở nơi cửa Phật được thanh thản. Vào trong động, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh như một bức tranh tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã tạo hoá bao đời để tạc nên hình ông tiên, cô tiên, tiểu đồng hay rùa bơi, rồng lượn, voi chầu, hổ phục, chim đại bàng, kho tiền, kho thóc… có một không hai về hình hài và vẻ đẹp. Bên phải cửa động có ba tượng Phật bằng đá uy nghi. Dưới nền động có nhũ đá hình con rùa lớn và đặc biệt có hai khối đá kỳ lạ khi gõ vào phát ra tiếng kêu như mõ. Đây thực sự như một ngôi chùa thiên tạo vậy.
Qua động Tối là chùa Thượng, du khách bước lên gần 40 bậc đá theo sườn núi thấy một ngôi chùa nhỏ. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. Chùa có kiến trúc 2 gian theo kiểu nhà dọc quay hướng Đông Nam, trong chùa chỉ có một tượng Phật bà Quan Âm và hai bên là hai miếu thờ Sơn Thần và Thổ Địa. Cạnh chùa có một bể nước gọi là "bể nước Cam Lồ" của Phật Bà Quan Âm. Ngoài ra, du khách đứng từ trên cao phóng tấm mắt lên dãy núi cao vút bao quanh chùa Bích Động sẽ thấy 5 ngọn núi đứng xung quanh gọi là “Ngũ Nhạc Sơn”, trông như 5 cánh hoa sen. “Ngũ Nhạc Sơn” gồm núi Tầm Sặng (có nhiều cây sặng), núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa. Tại đây, du khách nhìn xuống cánh đồng Ngũ Môn sẽ thấy một quả núi nhỏ đá xếp từng lớp gọi là núi Chồng Sách. Sau núi Chồng Sách có một ngọn núi có hình dáng voi chầu, nhân dân gọi là núi Voi.
Tam Cốc - Bích Động sẽ mãi là một kỳ tích tuyệt đẹp được kết hợp giữa thiên nhiên và con người tạo thành một quần thể kiến trúc có một không hai, mang đậm nét văn hoá làng quê Việt Nam. Năm 2012, cùng với khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư và danh thắng Tràng An- Tam Cốc- Bích Động đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt./.
Huy Minh
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?