
Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam được thành lập năm 1962. Cúc Phương năm trên địa phận ranh giới của 3 tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá. Vườn quốc gia Cúc Phương có quần thể động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo. Vườn có diện tích 22 nghìn ha, trong đó ¾ là núi đá vôi từ 300-600m so với mực nước biển. Tại đây có đỉnh Mây Bạc cao nhất, với độ cao trên 600m.
Động Người Xưa. Ảnh Bảo Ngọc
Khí hậu ở Cúc Phương thuộc loại khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm khoảng 240C. Rừng nguyên sinh chứa nhiều bí ẩn và cảnh quan độc đáo. Tại đây có nhiều hang động với cảnh quan kỳ thú và ẩn chứa những di tích lịch sử văn hóa lâu đời như động Trăng Khuyết, động Chúa, động Thủy Tiên, động Người Xưa…
Hệ thực vật ở Cúc Phương rất đa dạng và phong phú, trong đó ngành quyết thực vật có 31 họ, 57 chi; 149 loài; ngành hạt trần có 3 họ, 3 chi và 3 loài; ngành hạt kín có 154 họ, 747 chi và 1.588 loài. Với diện tích chỉ bằng 1/700 diện tích miền Bắc và chiếm 68% số họ, 43,6% số chi và 24,6% số loài hiện có ở Việt Nam. Thảm thực vật Cúc Phương với ưu thế là rừng trên núi đá vôi. Rừng có đến 5 tầng tán rõ rệt, trong đó tầng vượt tán đến độ cao 40m. Do địa hình dốc, tầng tán thường không liên tục và đôi khi sự phân tầng không rõ ràng, nhiều cây rất phát triển hệ rễ bạnh vè để đáp ứng với tầng đất mặt thường mỏng. Vườn quốc gia Cúc Phương hiện là nơi có nhiều loài cây gỗ lớn như chò xanh, chò chỉ và nhiều cây thuốc có giá trị.
Hệ động vật ở Cúc Phương khá phong phú và đa dạng, gồm 135 loài thú (trong đó nổi bật nhất là loài khỉ châu Á), 336 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 66 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng; trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ ViệtNam. Cúc Phương là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng về mặt bảo tồn trong đó có loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu như voọc quần đùi trắng; cày vằn, báo hoa là loài đe dọa cấp quốc gia. Cúc Phương cũng có hơn 40 loài dơi, 111 loài ốc, 280 loài bướm được ghi nhận ở đây.
Vườn quốc gia Cúc Phương còn là một địa điểm khảo cổ như động Người Xưa. Các di vật của người tiền sử có niên đại khoảng 12 nghìn năm đã được phát hiện như mồ mả, rìu đá, mũi tên đá, dao bằng vỏ sò, dụng cụ xay nghiền… trong một số hang động ở đây chứng tỏ con người đã từng sinh sống ở khu vực này từ 7 nghìn đến 12 nghìn năm trước.
- Vườn thực vật Cúc Phương: Là khu vực được xây dựng nhằm sưa tập gây trồng các loài cây quý hiếm của Cúc Phương, của Việt Nam và của thế giới. Đây là một trong 3 vườn thực vật tầm cỡ của thế giới.
- Trung tâm du khách Cúc Phương: Đây là Trung tâm giáo dục du khách đầu tiên được thành lập ở Đông Dương, là điểm tham quan và cũng là nơi làm thủ tục cần thiết trước khi vào tham quan.
- Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật: Đây là nơi cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam. Trung tâm chuyên nghiên cứu tập tính, sinh lý, sinh sản trong môi trường nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển; sưa tập, gây trồng bảo tồn nguồn gen và ạo giống các loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.
- Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương có nhiệm vụ cứu hộ cá thể các loài thú linh trưởng quý hiếm (voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh, voọc đen tuyền, coọc Lào, Voọc Cát Bà, voọc Chà vá chân xám…) sau đó thả về với tự nhiên; nghiên cứu về thú linh trưởng như việc tìm kiếm thức ăn, tập tính sinh hoạt, môi trường, không gian sống…
- Bảo tàng Cúc Phương: Bảo tàng Cúc Phương có vị trí trong khuôn viên của Vườn Quốc gia Cúc phương, là địa điểm tham quan, nghiên cứu các mẫu vật cho học sinh, sinh viên, các chuyên gia về bảo tồn động, thực vật. Bảo tàng được xây dựng phục vụ công tác lưu trữ và bảo quản mẫu như: bướm, xén tóc, chuồn chuồn, ve sầu, bọ que, chim, các loài thú khác như gấu, báo, khỉ, voọc… Hiện nay, Bảo tàng Cúc Phương đang lưu giữ hơn 50 mẫu khảo cổ học trong đó có mẫu dương bản bò sát răng phiến có niên đại 230-250 triệu năm trước; 122 mẫu ngâm; 82 mẫu động vật; 2.900 mẫu côn trùng các loại; hơn 12.000 mẫu tiêu bản thực vật.
Bảo tàng Cúc Phương. Ảnh: Bảo Ngọc
Hiện nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành một trung tâm cung cấp các loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao phục vụ cho các chương trình trổng rừng trong khu vực và trên cả nước. Đồng thời Cúc Phương còn là trung tâm bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao và là nơi tham quan của khách du lịch, giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên và là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học.
Cúc Phương đồng thời là một trung tâm du lịch, nơi đây được Tổ chức World Travel Awards bầu chọn và vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á trong 5 năm liên tiếp 2019-2023.
Bảo Ngọc
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?