
Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều núi đá vôi, bên cạnh sản xuất vật liệu xây dựng, người dân nơi đây còn dùng chính nguyên liệu đá để làm nên những sản phẩm đá mỹ nghệ vô cùng tỉnh xảo, phục vụ đời sống tín ngưỡng, tâm linh đến vật dụng cuộc sống thường ngày.
Ở Ninh Bình, có một làng nghề nổi tiếng từ rất lâu đời đó là xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Cùng với đôi bàn tay và khối óc của biết bao thế hệ cha ông đến nay, nghề chạm khắc đá nơi đây vẫn trường tồn qua thời gian.
Chế tác đá tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân- Hoa Lư
Sản phẩm chạm khắc đá nơi đây bao gồm các sản phẩm, từ những sản phẩm mỹ nghệ đơn giản như công cụ sản xuất nghề nông, bình hoa, cấu kiện trong các công trình kiến trúc nhà ở, đình, đền, chùa cho đến các tượng đài lớn.
Hầu hết các sản phẩm đá mỹ nghệ được đưa tới mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Tuyệt tác bằng đá được làm hoàn toàn bằng thủ công cách đây hàng trăm năm có thể kể đến Đình làng Xuân Vũ (Ninh Vân), căn nhà đá của ông Lương Văn Thiện và căn nhà đá của nghệ nhân Đỗ Khắc Đức.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, xưa kia, nơi đây đã nổi tiếng với nghề làm tượng đá cho Kinh thành và đền chùa ở Hoa Lư, từ thời các vua Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009). Những người dân làng nghề cũng đã từng tới Thăng Long, theo Vua Lý Thái Tổ sinh cơ lập nghiệp, tạo nên những bức tượng đá, thành quách và chùa chiền từ thời Lý (1010 - 1225) qua thời Trần (1225 - 1400), nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) nổi tiếng cũng là do những người thợ nơi đây tham gia xây dựng. Một tuyệt tác thuộc dòng tâm linh được các nghệ nhân Ninh Vân thiết lập kỷ lục đó là 500 vị La Hán đang được trưng bày tại chùa Bái Đính.
Các vị La Hán cao đến 2,5m (cả bệ), khác nhau về hình dáng, khuôn mặt, từ mắt, mũi, tai, miệng, gò má…, không tượng nào giống tượng nào chính là 500 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá tài hoa của người thợ đá Ninh Vân.
Tuyệt tác 500 vị La Hán được trưng bày tại chùa Bái Đính đã xác lập kỷ lục về chùa có số tượng La Hán nhiều nhất của Việt Nam và khu vực.
Các công trình nổi tiếng khác đã được người làng nghề Ninh Vân dốc lòng xây dựng bằng cả tâm huyết và lòng yêu nghề của mình như: Cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc, ở TP Hồ Chí Minh; cụm tượng đài Thanh niên xung phong, chống Mỹ cứu nước, ở Quảng Trị; tượng Mẹ Suốt, tại Quảng Bình; tượng Trần Hưng Đạo, ở Chí Linh (Hải Dương); đặc biệt là cụm tượng đài ở Nghĩa trang Trường Sơn và tượng đài Bác Hồ ở Nghệ An… đều đạt đến độ tinh xảo, độ lớn và được làm bằng đá lớn ghép liền mạch.
Với bàn tay và khối óc của những người thợ nơi đây, các sản phẩm đã mỹ nghệ Ninh Vân sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao trong phát triển làng nghề truyền thống.
Hồng Nhung
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?