Thứ Năm, 24/04/2025
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Ninh Bình phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ tư, 14/06/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 1 điểm ( 1 đánh giá )

Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Ninh Bình cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km, với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú, hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch được đầu tư đồng bộ, Ninh Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch, là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam Bắc. Đặc biệt năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Nơi đây thực sự là tâm điểm, thu hút du khách trong và ngoài nước đến du lịch Ninh Bình.

Du lịch tại Làng Việt cổ - Cố viên lầu. Ảnh: Thành Trung

Ninh Bình được coi như hình ảnh Việt Nam thu nhỏ, địa hình đa dạng vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, vừa có biển, đó là cơ sở phát triển hệ động thực vật phong phú, hình thành nhiều khu du lịch đẹp, như Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Hang Múa, Vườn chim Thung Nham... Ninh Bình từng là kinh đô của nước Đại Cồ Việt thế kỷ thứ X. Trên mảnh đất này còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều làng nghề quê với những phong tục, tập quán văn hóa truyền thống lâu đời tiêu biểu cho làng quê Việt Nam. Với 1.821 di tích lịch sử đã xếp hạng, các địa danh in đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử tiêu biểu như: Cố đô Hoa Lư, Đền Thái Vi, Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bích Động, chùa Bái Đính,… và còn nhiều những giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng như các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực...

Món thịt trưng mắm tép Gia Viễn. Ảnh: Thành Trung. 

Ninh Bình có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt tương đối đồng bộ kết nối các khu, điểm du lịch trong tỉnh và liên vùng tạo nên nhiều tour, tuyến du lịch liên hoàn, khép kín. Trên toàn tỉnh đã có gần 700 cơ sở lưu trú và hàng nghìn cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô, chất lượng tốt phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, mua sắm của khách du lịch. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực làm du lịch, nhất là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng đã được tỉnh quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng làm du lịch, văn hóa ứng xử và văn minh du lịch. Chính nhờ những lợi thế này, Ninh Bình có thể tổ chức được rất nhiều loại hình du lịch như: du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch lễ hội - tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo,...

Xác định được tiềm năng và lợi thế đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày 29/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Đặc biệt, Nghị quyết đã chuyển hướng chiến lược phát triển, từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”. Theo đó, Ninh Bình tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch bằng sản phẩm độc đáo, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Du lịch đồng quê Khu Tam Cốc- Bích Động. Ảnh: Thành Trung

Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch Ninh Bình trong những năm qua cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: các sản phẩm du lịch còn chưa phong phú, thiếu tính đột phá; lượng khách lưu trú còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở kinh doanh còn hạn chế;… do đó kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.  

Để du lịch Ninh Bình phát triển bền vững và đạt được mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, trước hết cần nâng cấp và làm mới các sản phẩm dịch vụ du lịch, phát triển các tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới, riêng có của vùng đất Ninh Bình; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch mở rộng phạm vi ra cộng đồng quốc tế; cần đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển du lịch; xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn; nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc bảo vệ  tài nguyên, môi trường du lịch cho khách du lịch và cộng đồng dân cư.

Với thế mạnh tài nguyên thiên nhiên phong phú, giá trị lịch sử - văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm và những định hướng đúng đắn để phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới, Ninh Bình phấn đấu sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và trung tâm du lịch của cả nước, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Thành Trung

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?