
Đền Thái Vi nằm trong quần thể khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Năm 1258, Trần Thái Tông sau khi nhường ngôi Vua cho con, trở thành Thái thượng hoàng đã về đây vân du mượn của trời đất một mảnh sinh lực để làm “linh hồn riêng”.
Một ngày đi đến An Khang thuộc địa giới Vũ Lâm, nhìn thấy núi non quanh quẩn trùng ngôi liền ngọn, giữa có nham động, trong có ba hang, ruộng đất rộng vài ba mươi mẫu, ngoài có một dải sông nhỏ gọi là sông Ngô Đồng chảy xuyên vào trong động. Thái Tông cùng thị thần lên thuyền, dõi sông chở vào qua lại ba hang tấm tắc khen ngợi phong cảnh sơn thủy hữu tình (theo Thái Vi quốc tế ngọc ký). Lúc đầu Thái thượng hoàng cho dựng một am nhỏ ở khu đất cao trong hang Cả (gọi là vườn Am) làm nơi nghỉ ngơi. Nhưng vì đất hẹp, lầy lội, là nơi hang cùng, núi thẳm, đường lối xa cách, bèn tìm lối ngoài về động phía nam, đất rộng vài chục mẫu, bốn mặt vách núi dựng đứng, hình thế rộng rãi, cây cối xanh tốt, giữa chốn non nước quanh quẩn có một khu đất cao ráo, mặt trước rộng rãi thoáng đãng. Sau khi xem xét kỹ thấy trên khu đất ấy có hình đầu rồng, lại có hai giếng song song như tai rồng, hai ao đối nhau như mắt rồng (tương truyền ở đây luôn có hai hố sâu nếu đổ đầy đất đá vào hai hố, sau một thời gian đất lại trũng xuống và không bao giờ bằng mặt đất), lại có giếng ở phía trước hình mũi rồng, người đời gọi là “Rồng thần ra động”. Thật đúng là một mảnh đất đối đãi tụ phúc và thiêng liêng mà thiên nhiên đã ban tặng. Thái Tông truyền bảo rằng: Ở đây núi lạ, nước đẹp, cảnh trí rất là hay, có thể làm chốn nương thân, trụ trì được, rồi sai phu đẵn gỗ dựng am Thái Vi ngay trên mảnh đất hình “đầu rồng” ấy.
Đền Thái Vi (hình đồng rồng)
Mà, nhận thức của người xưa về con rồng như một biểu trưng của vương quyền, biểu tượng của con trời để cai trị thiên hạ và ý nghĩa quan trọng là rồng gắn với mây mưa, mà mây mưa là “tinh dịch của trời cha tràn xuống đất mẹ” cho muôn loài sinh sôi nảy nở, bởi Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố mây mưa. Tuy rồng không phải là loài có thật nhưng nó luôn hiện hữu trong tâm tưởng, tư duy của người xưa và nó cũng có quyền phát triển ngang tầm trời đất, hội tụ sức mạnh có sẵn trong thế gian, mỗi cư dân có nhận thức khác nhau và thể hiện khác nhau. Đền Thái Vi tọa lạc ngay trên mảnh đất hình “đầu rồng”, vì thế mà nhân dân địa phương từ xưa đã đắp con đường và xây cầu đá còn gọi là cống Rồng từ đầu thôn Văn Lâm vào tới đền để đưa du khách vào thăm tiên cảnh, các quan tiện bề tế lễ, nông phu tiện việc cày cấy, canh tác. Đứng từ gác chuông đền Thái Vi ngắm tầm mắt ra xa thấy dòng Ngô Giang uốn lượn chảy vào Ba Hang, từ phải sang trái (tức là từ âm sang dương), đó là dòng chảy lưu thủy thuận chiều với quy luật của trời đất, tạo ra mọi nguồn hạnh phúc được phát sinh, phát triển. Phía trước đền là “Tiền ngọc tỉnh, hậu Cấm Sơn” (phía trước là giếng ngọc bốn mùa trong vắt như gương, phía sau là dãy núi đá Cấm Sơn). Thái Vi mang một thế cân bằng đối đãi, quan niệm của người xưa, nơi đây là điểm tụ phúc nhắc nhở với thần linh và cũng là ước vọng xuất phát từ tư duy nông nghiệp. Mảnh đất tụ linh, tụ phúc ấy được kết hợp với hướng nam, là hướng gió mát mẻ của mùa hè, ấm áp về mùa đông “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam”. Theo đạo Phật thì hướng nam trong sáng, đồng nhất với trí tuệ để diệt trừ sự ngu dốt (tức mầm mống của tội ác). Hướng nam còn mang dương tính, cũng gắn với hạnh phúc, với điều thiện. Văn hóa nước ta ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thì “thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân ngồi quay hướng nam để nghe lời tâu bày của dân lành mà dùng phép vô lượng, vô biên đem hạnh phúc đến cho mọi người).
Với một không gian như trên, người xưa đặt vào đây cây cỏ để trang điểm thêm cho đền Thái Vi, xác nhận mảnh đất là tươi tốt, thích ứng với mảnh đất thiêng, đất lành của muôn loài, mỗi cây cỏ đều mang một ý nghĩa triết mỹ riêng như hoa đại, hoa sen, cây tre, cây trúc. Song, ở đây chỉ nói tới cây mít. Mít được trồng ở ngay bên đền, mà mít không phải cây gốc của người Việt Nam mà nó tràn từ phía Tây tới. Đạo Phật quan niệm: Mít (paramita, đọc tắt là mít), nghĩa âm Hán Việt là padamậtđa: đáo bỉ ngạn (đáo: đến; bỉ ngạn: bờ giác ngộ). Ý nghĩa của mít là đại trí tuệ, đại giác ngộ, đỉnh cao là giải thoát. Vì thế cây mít là một cây thiêng gắn với đạo Phật nên những kiến trúc của người Việt làm bằng gỗ mít mang ý nghĩa miền đất giải thoát, nó không đơn thuần là chất liệu với những gân xoắn biểu hiện nghệ thuật tạo hình mà cao hơn là biểu hiện cho miền đất thoát tục của mỗi biểu tượng thần linh (những pho tượng Phật thường làm bằng gỗ mít, lá mít dùng để đựng oản cúng Phật).
Lễ hội đền Thái Vi
Đền Thái Vi là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, nơi hội tụ các hình tượng khác nhau của nghệ thuật tạo hình mang ý nghĩa triết mỹ mà tác giả chưa có dịp giải mã, mới chỉ nói đôi điều về yếu tố địa tâm linh của đền mà người xưa nhắn nhủ hậu thế./.
Huy Hoàng
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?