
Từ một tỉnh nghèo trong vùng đồng bằng sông Hồng, song với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sau 30 năm tái lập, công tác giảm nghèo của Ninh Bình có nhiều khởi sắc. Các hộ nghèo đã dần chuyển đổi nhận thức, mạnh dạn xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; tư tưởng trông chờ, ỷ lại từng bước được khắc phục.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đời sống của nhân dân đổi thay từng ngày.
Từ khi tái lập tỉnh, các ngành, địa phương đã bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương về an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân phát triển ổn định và bền vững. Điển hình là công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn về nhà ở. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có trên 6.300 hộ được hỗ trợ về nhà ở với tổng kinh phí trên 185 tỷ đồng.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động học nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Nếu như năm 1992, giải quyết việc làm cho 8.295 lao động thì đến giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 20.500 người. Duy trì nghề được đào tạo góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Với việc thực hiện các biện pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, từ 30% năm 1995 giảm xuống còn 2,91% năm 2015 theo tiêu chí cũ và từ 7,46% vào cuối năm 2015 xuống còn 1,87% năm 2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều, đến năm 2021 giảm còn 3,07% theo tiêu chí giai đoạn 2022-2025. Qua đó, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định tình hình chính trị- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và ''không để ai bị bỏ lại phía sau"./.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?