Thứ Bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết nội sinh

Thứ hai, 05/10/2020

 Trước những diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng tại các địa phương, đặc biệt là xuất hiện các ổ dịch nội sinh ở nhiều huyện, thành phố trong tỉnh, ngành Y tế Ninh Bình tăng cường triển khai các biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.


Tuyên truyền phòng bệnh SXH tại hộ gia đình.

Thành phố Ninh Bình là địa phương vừa xuất hiện 2 ca bệnh mắc SXH nội sinh tại phường Ninh Phong. Đây là 2 trường hợp mắc SXH nội sinh đầu tiên trên địa bàn phường và cũng là của thành phố Ninh Bình trong năm nay. 

Chị Vũ Thị Hòa, một bệnh nhân mắc SXH phường Ninh Phong cho biết: Do chủ quan không nằm màn khi đi ngủ nên tôi đã bị muỗi đốt và truyền bệnh. Sau mấy ngày sốt cao và nhập viện điều trị hơn 1 tuần, tôi mới khỏi bệnh và xuất viện về nhà. Rất may, đến nay, sau 15 ngày, tại gia đình và cùng khu phố chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc bệnh. 

"Sau khi có trường hợp mắc bệnh, hiểu rõ nguồn lây bệnh do muỗi, gia đình tôi và nhân dân trong khu phố đều đã phun hóa chất diệt muỗi trong và ngoài nhà, tẩm hóa chất màn và yêu cầu mọi người khi ngủ phải mắc màn. 

Cùng với đó, nhân dân trong khu phố cũng quan tâm đến vấn đề VSMT từ trong nhà ra ngõ xóm, không để rác dồn ứ, lưu cữu. Đặc biệt, mỗi người đều ý thức trong việc để khô ráo các xô chậu, lu vại, các bồn cây trồng hoa, cây cảnh… không để nước đọng, tồn ứ, là điều kiện để muỗi đẻ trứng sinh sản..." - chị Vũ Thị Hòa cho biết thêm.

Ở phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình), là phường những năm trước có các ca bệnh nội sinh, do đó việc phòng bệnh SXH được Trạm Y tế phường quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền. Bác sĩ Phạm Thị Thao, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nam Bình cho biết: Để chủ động phòng, chống bệnh SXH, chúng tôi phát huy cao độ vai trò của đội ngũ nhân viên y tế trong việc tuyên truyền, vận động cũng như nắm bắt tình hình lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm mùa hè, trong đó có bệnh SXH tại các khu phố.

Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết nội sinh
Bệnh nhân mắc SXH điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

 

Trạm Y tế đã tổ chức giám sát chặt chẽ các ổ bệnh cũ, chuẩn bị các điều kiện về cơ số thuốc, hóa chất và phương tiện sẵn sàng phòng, chống khi phát sinh dịch bệnh trên địa bàn...".

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã điều trị cho hàng chục trường hợp mắc SXH. Những bệnh nhân khi nhập viện đều có các triệu chứng như sốt cao 40 độ C, đau mỏi người, chảy máu chân răng, có người diễn biến nặng hơn do điều trị muộn. 

Bác sỹ Phạm Trung Mạnh, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể lây nhanh thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn truyền bệnh. 

Người mắc SXH phát triển theo ba giai đoạn: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn sốt Dengue - là giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Sau giai đoạn sốt với triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục, người bệnh thường chuyển sang giai đoạn nguy hiểm sau đó khoảng 3-7 ngày. Đây là giai đoạn cần phải xem xét để có biện pháp xử trí phù hợp nhằm hạn chế những hậu quả xấu xảy ra. 

Bệnh SXH là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và nếu phát hiện muộn (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nặng nề, thậm chí gây tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến thời điểm hiện nay, mặc dù số trường hợp mắc SXH không tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 9 lại ghi nhận số ca mắc nội sinh tăng cao bất thường tại 6 ổ dịch nhỏ ở 5/8 huyện, thành phố trong tỉnh. Đó là các ổ dịch ở phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình); xã Gia Thịnh, Gia Lập (huyện Gia Viễn); thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh); xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) và xã Lạc Vân (huyện Nho Quan). 

Tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng 9/2020, toàn tỉnh có 31 trường hợp mắc SXH, trong đó có 6 ca bệnh nội sinh. Như vậy, số ca bệnh nội sinh đã xuất hiện ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, đòi hỏi công tác phòng chống dịch bệnh SXH cần được nâng cao hơn một bước.

Thạc sĩ, bác sỹ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo sát sao các trạm y tế xã, phường, đội phòng chống dịch, cán bộ y tế phụ trách địa bàn, nắm chắc đối tượng, giám sát chặt chẽ các ca bệnh để có phương án chủ động đối phó khi có tình huống xảy ra. 

Thực hiện nghiêm công tác giám sát chỉ số côn trùng, véc-tơ truyền bệnh, giám sát, điều tra, thống kê ca bệnh, dịch truyền nhiễm, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi... Cùng với đó, rà soát, thống kê, bổ sung, đảm bảo đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời khi xảy ra bùng phát dịch.

Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân, trong điều kiện thời tiết nắng mưa đan xen như hiện nay, là môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển, gia tăng nguy cơ thành dịch. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào tử vong và không xuất hiện các ổ dịch lớn, nhưng đối với loại bệnh truyền nhiễm này, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng chống hiệu quả, phương án phòng bệnh được coi là biện pháp hữu hiệu nhất. 

Do vậy, cùng với sự chủ động của các cơ quan chuyên môn, mỗi người dân cần vào cuộc, nâng cao ý thức tự phòng tránh bằng các biện pháp dự phòng như phun thuốc muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, môi trường sinh hoạt, không để bệnh SXH có điều kiện phát sinh, gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của mỗi người.

Hạnh Chi

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4495935

Trực tuyến: 70

Hôm nay: 4820

Hôm qua: 8821