![Sở Thông tin - Truyền thông Ninh Bình](https://tttt.ninhbinh.gov.vn/uploads/images/banner/so_thong_tin_truyen_thong_ninh_binh.gif)
Ở Việt Nam, tội phạm mua bán người đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là các tỉnh, huyện, xã biên giới. Các lực lượng chức năng đã phát hiện các nạn nhân bị lừa, ép buộc mua bán, trong đó số vụ mua bán người được phát hiện chủ yếu là tại các địa phương: Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu… Nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ có phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, mua bán nội tạng. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội rất đa dạng, thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên qua nghiên cứu cho thấy, chủ yếu nạn nhân bị mua bán do bị “lừa” mà khi phát hiện đã ở tình trạng “khó có thể trốn thoát”.
Ảnh nguồn baochinhphu.vn
Nghiên cứu các vụ mua bán người đã bị các cơ quan chức năng đấu tranh làm rõ cho thấy: Các đối tượng phạm tội mua bán người sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khác nhau để lừa nạn nhân, trong đó, chúng thường sử dụng một số thủ đoạn chủ yếu sau:
1. Lừa nạn nhân dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm
Lợi dụng sự cả tin của các nạn nhân, các đối tượng phạm tội mua bán người thường vẽ ra một viễn cảnh làm việc nhàn hạ, lương cao để lừa nạn nhân. Bị hại trong các vụ việc này thường là những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hoặc những người từ tỉnh lẻ lên thành phố đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm cao.
2. Làm quen với các nạn nhân, vờ yêu đương rồi đem bán
Thực hiện thủ đoạn này, các đối tượng thường nhắm đến nạn nhân là phụ nữ, đặc biệt là các phụ nữ quá lứa, nhỡ thì hoặc cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan, thất vọng; các em nữ ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống... Trong hoàn cảnh đó, các đối tượng tìm cách tán tỉnh bằng những lời đường mật, luôn thể hiện sự ga lăng để lấy lòng tin của nạn nhân. Khi “con mồi” đã cắn câu, các đối tượng sẽ tạo ra các hoàn cảnh khác nhau như vờ đi thăm người thân, đi du lịch… để đưa nạn nhân sang bên kia biên giới để bán.
Có thể khẳng định phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhưng về mặt bản chất, đa số các vụ lừa nạn nhân nhằm mục đích mua bán đều nhằm vào hai điểm yếu “tình” hoặc “tiền” để đưa nạn nhân vào bẫy. Mặc dù các cấp, các ngành đã quyết liệt vào cuộc; công tác tuyên truyền đã được triển khai rộng khắp trên các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các địa phương vùng biên giới nhưng hiện nay số vụ mua bán người vẫn có xu hướng tăng.
Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân không bị mua, bán. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác hoặc không nhận tiền và tự nguyện trả nợ thay của người lạ mới quen biết. Điều tất yếu là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với bọn tội phạm, kịp thời thông báo cho các cơ quan Công an, cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi, đối tượng nghi vấn phạm tội mua, bán người.
Nên cảnh giác với những mối quan hệ quen biết trên mạng, nhất là với những người không rõ ràng về nhân thân, công việc, quan hệ xã hội...
Thận trọng với trường hợp tuy mới quen biết nhưng đã tỏ vẻ yêu quý mình, mong muốn gặp mặt. Khi định đi làm ăn xa hay đi chơi, du lịch, nên kể với một số bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Nên đặt ra những nghi vấn đối với những trường hợp rủ đi làm ăn lương cao nhưng "phải giữ bí mật" với bất cứ lý do nào.
Đồng thời cũng nên phải cảnh giác trước những kẻ tuy mới quen trên mạng xã hội, mới xuất hiện ở địa phương, hay mới biết nhau thông qua sự giới thiệu của bạn bè nhưng đã tỏ ra vồ vập, săn đón, hào phóng, tốt bụng…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán người. Bên cạnh tuyên truyền về Luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người… cần chú trọng tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; những dấu hiệu, nguy cơ trở thành nạn nhân và phương thức phòng, tránh khỏi cạm bẫy của tội phạm mua bán người.
Nam Giang (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?