Thứ Ba, 16/07/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch “An toàn- thân thiện- chất lượng- hấp dẫn”

Thứ bảy, 25/11/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 78 di tích Quốc gia, 314 di tích cấp tỉnh, 1 Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới và 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó nổi bật một số địa danh có giá trị không chỉ đối với quốc gia mà còn có giá trị đối với cả quốc tế như Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn ngập nước sinh thái Vân Long, đặc biệt là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An... Ninh Bình thực sự đã trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Bến thuyền Tràng An. Ảnh: TM

Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đều xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm và đã xây dựng quy hoạch từng bước phát triển du lịch theo hướng bền vững. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XIX) đã ban hành Nghị quyết số 15 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rõ mục tiêu: Phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước. Giai đoạn 2009- 2019, Ninh Bình duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân khách du lịch tăng 13,1%, doanh thu du lịch tăng 30,7%, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đặc biệt năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá và thiên nhiên thế giới đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Hình ảnh thương hiệu du lịch Ninh Bình từng bước được khẳng định, nhiều năm liền được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của du lịch Việt Nam, khu vực và thế giới.

Năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XX) ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát “Tạo bước đột phá phát triển toàn diện các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch. Năm 2023, phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc văn hoá của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư; xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch “An toàn- thân thiện- chất lượng- hấp dẫn”. Đến năm 2045, phấn đấu Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong 10 nhóm điểm đến du lịch hàng đầu của các nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 10% GRDP”.

Khách tham quan chùa Bái Đính. Ảnh: Huy Minh

Để thực hiện mục tiêu trên, Ninh Bình cần đổi mới nhận thức, tư duy và tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, đảng, chính quyền các cấp về phát triển du lịch; quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch với các giá trị lịch sử, văn hoá của tỉnh; tăng cường xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch.

Tuần Du lịch "Sắc vàng Tam Cốc- Tràng An". Ảnh: Huy Minh

Trong những năm qua, Ninh Bình đã chú trọng huy động các nguồn lực, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các thành phần kinh tế, các nhà doanh nghiệp, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn; chú trọng đầu tư xây dựng các khu du lịch đã được xác định, trong đó trọng tâm là khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Tràng An - Hoa Lư và trung tâm Thành phố Ninh Bình. Một số khu, điểm du lịch được tập trung đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước như Khu di tích Cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An - núi chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Vân Long. Bên cạnh đó, quan tâm hình thành mạng lưới dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng; phát triển các loại hình du lịch ở nhà dân (homestay), du lịch sinh thái. Đồng thời, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch, trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư các khách sạn, nhà hàng nghỉ dưỡng (resort) từ 3-5 sao.

Phố cổ Hoa Lư về đêm. Ảnh: Huy Minh

Công tác quản lý Nhà nước về du lịch có nhiều chuyển biến, ngành du lịch đã xây dựng được cơ chế quản lý và tổ chức bộ máy cho các khu du lịch, thành lập Hiệp hội du lịch; phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Quy chế quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch, trong đó có những quy định về bảo vệ tài nguyên rừng, hệ thống núi đá vôi và các loài động vật quý hiếm.

Đầu năm 2023, chuyên trang đặt phòng trực tuyến nổi tiếng thế giới Booking.com đã tổ chức trao giải thưởng thường niên Traveller Review Awards 2023. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những điểm đến, cơ sở lưu trú toàn cầu. Theo đó, trong top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới, châu Á có duy nhất 1 đại diện đến từ quốc gia Việt Nam góp mặt, đó chính là Ninh Bình.

Ninh Bình của Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10. Đây là vị trí khẳng định vị thế, nâng tầm thương hiệu và tiếp tục lan tỏa hình ảnh của Việt Nam cũng như Ninh Bình ra thế giới sâu rộng hơn.

Huy Minh


 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?