
Di sản có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu di sản của Ninh Bình hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.
Sự đa dạng về văn hóa, thiên nhiên và thẩm mỹ của di sản cộng hưởng với hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực đặc sắc… là nguồn tài nguyên du lịch hết sức đặc sắc, mang tính đặc trưng văn hóa của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng, tạo thế mạnh và sự khác biệt của du lịch Ninh Bình.
Đến nay, Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á sở hữu 1 di sản hỗn hợp đó là Quần thể danh thắng Tràng An với giá trị nổi bật toàn cầu, thu hút khách du lịch.
Không gian lễ hội đặc sắc là một trong những điểm thu hút du khách đến với miền di sản. Ảnh: Vũ Minh.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa đã được các địa phương khai thác thành công như Tuần du lịch "Sắc vàng Tam CốcTràng An" năm 2023, Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2023... và một trong những sự kiện văn hóa lớn được tỉnh Ninh Bình tổ chức thành công đó là: Festival Ninh Bình - Tràng An... Đây là những sự kiện có tính điểm nhấn khẳng định nét văn hóa đặc sắc, mang thương hiệu riêng của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Chính các sản phẩm này đã và đang tạo nên dấu ấn "định vị thương hiệu địa phương" của Ninh Bình trên bản đồ văn hóa du lịch quốc gia, quốc tế; đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. .
Chính vì thế, phát triển kinh tế di sản dựa trên các giá trị của di sản để phát triển kinh tế là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia, nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Bình quan tâm.
Để phát triển kinh tế di sản, trước hết cần định lượng giá trị di sản một cách bài bản, khoa học. Ngoài ra, Nghị quyết số 16- NQ/TU ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030, trong đó mục tiêu đến năm 2025 sẽ định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư là "Đô thị Cố đô-Di sản". Phát triển Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/ TU thì việc lập đề án Đô thị di sản-Du lịch là rất quan trọng, tạo khung chiến lược, nền tảng, căn cứ, có giá trị cốt lõi để Ninh Bình từng bước vững chắc đi lên, phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Ninh Bình đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và khác biệt.
Chính yếu tố di sản văn hóa đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với khách tham quan, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Để đánh thức tính độc đáo của di sản này, Ninh Bình cần tập trung khai thác trên khía cạnh du lịch và phát triển đời sống của cư dân Tràng An. Trước hết phải xây dựng các tour hành trình di sản, tạo dựng các dạng thức không gian văn hóa đặc trưng; bài học này đã được khẳng định ở nhiều điểm du lịch, có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển kinh tế di sản dựa trên những giá trị bản địa, lịch sử vốn có là định hướng mà Ninh Bình đang tập trung khai thác, phù hợp với yêu cầu của UNESCO trong bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Trường Giang
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?