Thứ Ba, 16/07/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, khai thác và tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ ba, 22/08/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời, không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn mà còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam như khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, dấu ấn Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm…

Ninh Bình có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú…. Với 1.821 di tích, trong đó có 395 được xếp hạngtrong đó có 318di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt). 

Đền thờ Vua Đinh. Ảnh: Minh họa (Nguồn Internet)

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, du lịch tỉnh Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ, hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh phát huy tốt các giá trị của mình đóng góp vào phát triển ngành Du lịch của tỉnh. Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử được tập trung đầu tư phát triển dựa trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh đặc biệt trở thành thương hiệu của tỉnh như Lễ hội Cố đô Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Tuần Du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”… thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. 
Thời gian qua, Sở Du lịch đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 07-KL/TU ngày 5/12/2021 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh; UBND tỉnh ban hành: Quyết định số 1306/QĐ-UBND ngày 24/11/2021 về phê duyệt Kế hoạch quản lý Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 66/2021/QĐ-UBND ngày 16/12/2021 về sửa đổi Điều 6 Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Để đảm bảo mục tiêu phát huy giá trị Di sản kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường, cảnh quan và bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực của Di sản, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Sở Du lịch phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình".
Hàng năm, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến quy định về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Di sản, bảo vệ môi trường cảnh quan, các quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp du lịch trong phạm vi Di sản góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; giữ gìn tài nguyên môi trường, các di tích khảo cổ, di sản địa chất trong phạm vi Di sản.
Nhiều tiềm năng, thế mạnh của các di tích lịch sử văn hóa đã được phát huy, đem lại những thay đổi tích cực trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Di sản Tràng An thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình.
Nhằm phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch được tỉnh quan tâm đầu tư như: Dự án tu bổ tôn tạo di tích đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành, Dự án tu bổ tôn tạo di tích đền Cọ, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Công trình tu bổ tôn tạo di tích đền Vối (thuộc dự án Nạo vét tuyến giao thông thủy Bích Động - Hang Bụt và Thạch Bích - Thung Nắng), Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Tràng An, khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính và khu chùa động Am Tiêm, Dự án xây dựng mốc giới vùng lõi, vùng đệm của Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An;... tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các tour, tuyến, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy các loại hình du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái… Hiện nay, UBND tỉnh giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Quần thể danh thắng Tràng An.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được ngành Du lịch đặc biệt quan tâm, đầu tư cả về kinh phí, phương thức tổ chức, triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú là công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa là như: Quảng bá du lịch tấm lớn; phát hành ấn phẩm, tài liệu với 03 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp; trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo, Đài truyền hình trong nước và quốc tế; trên các trang thông tin điện tử của ngành Du lịch và trên các trang mạng xã hội, Tiktok, Twitter, TripAdvisor, Lonelyplanet. Triển khai áp dụng công nghệ số chuyển đổi bài viết thành dạng audio tích hợp vào các bài viết và chuyên mục trên website để cung cấp thông tin cho khách du lịch; thường xuyên ghi hình, xây dựng video clip, slide, bản tin du lịch điện tử giới thiệu du lịch Ninh Bình làm tư liệu phục vụ công tác quảng bá xúc tiến du lịch.
Ngoài ra, Sở Du lịch thường xuyên phối hợp với Tổng cục Du lịch cùng các đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo khảo sát xúc tiến điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như các điểm di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống...

Du khách tham quan đền thờ Vua Đinh - Vua Lê. Ảnh: Minh họa (Nguồn Internet)

Trong thời gian tới, các dự án lớn tiếp tục được triển khai hoàn thiện và sẽ đưa vào hoạt động như mở rộng các tuyến du lịch, khai thác các tuyến mới trong khu du lịch Tràng An, tuyến du lịch con đường di sản, các khu vực phát triển du lịch cộng đồng tại Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan; đổi mới mô hình quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; xây dựng các không gian trưng bày giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử Kinh đô Hoa Lư và Nhà nước Đại Cồ Việt, không gian trưng bày giới thiệu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, không gian trưng bày về nghề truyền thống thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải…
Có thể khẳng định, hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý giá góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch Ninh Bình. Đó sẽ là tiền đề để du lịch Ninh Bình bứt phá trong thời gian tới, mang lại những sản phẩm du lịch đặc biệt hấp dẫnthu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, khám phá, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

CTV Thu Hoài - Sở Du lịch

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?