
Sự đa dạng về văn hóa, thiên nhiên và thẩm mỹ của Quần thể danh thắng Tràng An cộng hưởng với hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực… là nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, mang tính đặc trưng văn hóa Việt Nam, nguồn lực quan trọng, tạo thế mạnh và sự khác biệt của du lịch Ninh Bình.
Hương sắc Tràng An. Ảnh: Tùng Lâm
Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An góp phần quan trọng đưa hình ảnh của Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh phát triển du lịch. Danh hiệu Di sản của UNESCO đã đưa Tràng An thực sự đóng vai trò là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch của Ninh Bình trong những năm qua. Việc khai thác hiệu quả hơn nữa về tiềm năng, giá trị của di sản góp phần khẳng định vị thế của du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Tại Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014 - 2024), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, sau 10 năm được ghi danh, Tràng An trở thành biểu tượng của sự cam kết có trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa tự nhiên của thế giới. Phó Thủ tướng đề nghị, tỉnh Ninh Bình và các cấp, ngành chủ động, tích cực hội nhập hợp tác quốc tế trong bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di sản toàn cầu, nhất là đối với UNESCO, quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh văn hóa, con người, thiên nhiên Ninh Bình đến bạn bè trong nước, quốc tế, bà con kiều bào ta ở nước ngoài.
Du lịch di sản là một trong những sản phẩm chủ lực của Ninh Bình. Ảnh: Tùng Lâm
Tại hội nghị bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và chính sách cho tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, cơ sở để Ninh Bình xây dựng đô thị di sản - du lịch và phong cảnh là do địa phương sở hữu tài nguyên thiên nhiên, di sản độc nhất vô nhị. Di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn tiêu biểu có nhiều khả năng phát huy trên nền cảnh di sản văn hóa, lịch sử dân tộc.
Để phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng với thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030, việc lập đề án Đô thị di sản - du lịch là rất quan trọng, tạo khung chiến lược, nền tảng, căn cứ, có giá trị cốt lõi để Ninh Bình từng bước vững chắc đi lên, phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Ninh Bình đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và khác biệt, chú trọng các loại hình du lịch gắn với phát huy giá trị di sản, văn hóa được các địa phương khai thác thành công đang tạo nên dấu ấn trên bản đồ văn hóa du lịch quốc gia, quốc tế như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch thắng cảnh, trải nghiệm; du lịch thể thao…Từ đó, du lịch di sản được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ninh Bình đang đẩy mạnh quảng bá, khai thác giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An để tạo ra sản phẩm mang màu sắc, đặc trưng riêng của vùng đất cố đô Hoa Lư.
Có thể thấy, Ninh Bình lựa chọn mô hình quản lý bảo tồn nguyên vẹn, bền vững giá trị của di sản và phát huy các giá trị đó vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người dân và thực tế đã thu được những thành công nhất định. Qua đó, góp phần khẳng định chỉ khi di sản được sử dụng, khai thác để phát triển mới là di sản sống.
Tùng Lâm
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?