Thứ Tư, 22/01/2025
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Ninh Bình xây dựng đô thị di sản - du lịch

Thứ tư, 08/05/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thời gian qua, ngành Du lịch được tỉnh Ninh Bình xác định đầu tư để phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Xác định được tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình ban hành các nghị quyết, đề án, cơ chế chính sách để phát triển du lịch, trong đó Quần thể danh thắng Tràng An đóng vai trò then chốt trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2045 trở thành trung tâm du lịch lớn của quốc gia và khu vực.

Ninh Bình sở hữu tài nguyên thiên nhiên, di sản độc đáo.

Tại hội nghị bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và chính sách cho tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, cơ sở để Ninh Bình xây dựng đô thị di sản - du lịch và phong cảnh là do địa phương sở hữu tài nguyên thiên nhiên, di sản độc nhất vô nhị. Di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn tiêu biểu có nhiều khả năng phát huy trên nền cảnh di sản văn hóa, lịch sử dân tộc. Để phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng với thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030, việc lập đề án Đô thị di sản - du lịch là rất quan trọng, tạo khung chiến lược, nền tảng, căn cứ, có giá trị cốt lõi để Ninh Bình từng bước vững chắc đi lên, phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Ninh Bình đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và khác biệt. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho rằng, Ninh Bình cần tiếp tục tăng cường gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới theo quy chuẩn của UNESCO; tăng cường giáo dục, nhận thức cộng đồng, nâng cao nhận thức về giá trị của di sản thế giới Tràng An đối với cộng đồng và du khách; tăng cường hợp tác các tổ chức quốc tế, đối tác địa phương khác để chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản và học hỏi từ thành công của điểm đến khác...

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng địa phương để Quần thể danh thắng Tràng An tiếp tục là điển hình mẫu mực về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo của UNESCO, đưa địa phương trở thành miền đất giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, xanh - sạch về môi trường, hội tụ đủ tiêu chí cho sự phát triển bền vững. Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An góp phần quan trọng đưa hình ảnh của Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh phát triển du lịch. Danh hiệu Di sản của UNESCO đã đưa Tràng An thực sự đóng vai trò là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch của Ninh Bình trong những năm qua. Việc khai thác hiệu quả hơn nữa về tiềm năng, giá trị của di sản góp phần khẳng định vị thế của du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Sau 10 năm được ghi danh, Tràng An trở thành biểu tượng của sự cam kết có trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa tự nhiên của thế giới. Phó Thủ tướng đề nghị, tỉnh Ninh Bình và các cấp, ngành chủ động, tích cực hội nhập hợp tác quốc tế trong bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di sản toàn cầu, nhất là đối với UNESCO, quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh văn hóa, con người, thiên nhiên Ninh Bình đến bạn bè trong nước, quốc tế, bà con kiều bào ta ở nước ngoài.

BCXB

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?