
Chiều ngày 6/3, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước và phát triển các mô hình du lịch với UBND tỉnh Đắk Nông.
Quang cảnh hội nghị
Dự hội nghị có các đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo, Ninh Bình còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng như Khu di tích, lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm…
Năm 2014 Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình. Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, nhiều năm liền nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, hiếu khách.
Mới đây nhất Ninh Bình là đại diện duy nhất ở châu Á lọt top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới do Booking.com - ứng dụng đặt phòng có mặt tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ tổ chức.
Năm 2022, toàn tỉnh đón trên 3,7 triệu lượt khách tham quan, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu đạt 3.207 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2021. Hai tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón khoảng 2,33 triệu lượt khách, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Có được những kết quả trên là do Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, mang tính chiến lược lâu dài. Trong đó việc ban hành các chính sách, cơ chế đúng và trúng là yếu tố mang tính then chốt, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích và huy động các nguồn lực. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch du lịch được thực hiện bài bản, khoa học và được quản lý chặt chẽ. Trong quá trình phát triển du lịch, tỉnh luôn xuyên suốt mục tiêu lấy người dân là trung tâm, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân địa phương trong các khu vực dự án phát triển du lịch vì họ vừa là di sản sống, vừa trực tiếp bảo vệ, giữ gìn di sản và tham gia phát triển du lịch trong khu vực dự án.
Ninh Bình tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước đầu tư hoàn chỉnh các dự án cơ sở hạ tầng du lịch; thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được tỉnh quan tâm và đầu tư hiệu quả.
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà tỉnh Ninh Bình đạt được, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Đồng chí cho biết, kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông những năm gần đây có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó ngành du lịch được xác định là một trong ba trụ cột chính của nền kinh tế. Tháng 7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, du lịch Đắk Nông phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Công tác thu hút đầu tư, quảng bá, bảo tồn và phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn.
Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, 2 bên đã chia sẻ nhiều nội dung trong công tác quản lý, ban hành các chính sách, cơ chế đúng và trúng để khuyến khích và huy động các nguồn lực; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch du lịch; vai trò chủ thể, trung tâm của người dân trong bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Tầm quan trọng của thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng khu, điểm du lịch bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.
Trong đó, tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, chất lượng cao. Thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm. Khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử để tạo ra sự độc đáo, hấp dẫn và đặc trưng, mang dấu ấn riêng...
Bên cạnh đó, là những giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh du lịch. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Một số vấn đề về chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
2 bên cũng thống nhất tăng cường trao đổi, hỗ trợ thông tin về quy hoạch, kế hoạch dài hạn, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư. Phối hợp tổ chức chương trình khảo sát điểm đến giữa hai tỉnh, xây dựng các chương trình kích cầu; nghiên cứu, tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch. Phối hợp hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn về du lịch của các địa phương.
TTBCXB
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?