Thứ Hai, 31/03/2025
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Ninh Bình triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển du lịch

Thứ sáu, 01/12/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngay sau khi Luật Du lịch và các chính sách, pháp luật về phát triển du lịch có hiệu lực, Sở Du lịch tập trung triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn Luật Du lịch đến cán bộ, công chức, viên chức ngành Du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các tổ chức, cá nhân có liên quan thông qua các hình thức: Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; đăng tải trên website của ngành; triển khai tuyên truyền thông qua các hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng về du lịch, các hội nghị của Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các địa phương; qua các tin, bài, phóng sự, chuyên mục trên báo, đài, truyền hình đồng thời quán triệt các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; các kế hoạch và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về lĩnh vực du lịch tới các đơn vị kinh doanh du lịch, chủ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch. Đặc biệt, phối hợp với các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến du lịch; tuyên truyền thông qua lồng ghép các hoạt động thanh tra. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, người dân về phát triển du lịch.

Khách du lịch tham quan Tràng An. Ảnh Thu Hoài

Theo đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển du lịch như: Quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý kinh doanh du lịch, phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình... được thực hiện đồng bộ, qua đó góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Để phát triển du lịch, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Xác định được điều đó, trong những năm qua, Ninh Bình đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về quy hoạch, nhằm đảm bảo du lịch phát triển bền vững. Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 30/8/2018. Sở Du lịch đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch thực hiện nghiêm túc Quy hoạch đã được phê duyệt. UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, lập quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đến du lịch.

Đặc biệt, hiện Sở Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh triển khai lập Quy hoạch bảo quản tu bổ phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, công tác đầu tư cho phát triển du lịch được đặc biệt quan tâm, cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch từng bước đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối các tuyến, điểm du lịch dần được hoàn thiện. Từ năm 2019 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước các dự án 869.329 triệu đồng (Trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch là 839.329 triệu đồng; tu bổ, tôn tạo di tích là 30.000 triệu đồng…) để tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công hoàn thành các hạng mục công trình của các dự án đưa vào quản lý, khai thác, sử dụng phục vụ phát triển du lịch. Qua quá trình nắm bắt các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch do UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại các Quyết định: Từ năm 2019 đến nay đã thu hút trên 13 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, với số tiền đầu tư theo tổng mức đầu tư được chấp thuận khoảng 1.755.000 triệu đồng. Các dự án tiêu biểu đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ khách du lịch có hiệu quả, tiêu biểu như: Khu nghỉ dưỡng Emeralda Tam Cốc, khu phố cổ Hoa Lư, Minawa KenhGa Resort, Vedana resort, Cuc Phương rersort and spa, khách sạn Hoàng Sơn, khách sạn Yến Nhi, khách sạn Hidden Charm, sân golf Tràng An, dự án tổ hợp sân golf Hồ Yên Thắng, với mức đầu tư là 4.558 tỷ đồng (bổ sung tăng 2.858 tỷ đồng), khách sạn Legend (khách sạn 5 sao đầu tiên của tỉnh); các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí khác… đã tạo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn liền với việc khai thác yếu tố cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử truyền thống; đồng thời góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.

Đến năm 2023, toàn tỉnh hiện có 819 cơ sở lưu trú du lịch, với 10.509 phòng nghỉ; hình thành 17 khu, điểm du lịch; nguồn lao động du lịch hiện có khoảng trên 20.000 người, trong đó có khoảng 8.500 lao động trực tiếp; có 30 Công ty lữ hành du lịch.

Thực hiện chính sách, pháp luật về quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình, Sở Du lịch tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 29/4/2022 về Quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 -2030 làm cơ sở tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá du lịch; tham dự các hội chợ ở trong nước (ITE HCM, VITM Hanoi), quốc tế (Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản…); tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip, bloggers, youtuber, titokker; hỗ trợ các hãng phim trong nước và quốc tế thực hiện các bộ phim tại các khu, điểm du lịch; sản xuất các video, ấn phẩm du lịch. Từ năm 2019 đến nay đã biên tập và đăng tải gần 10.690 bài viết, hình ảnh trên trang thông tin điện tử tổng hợp do Sở quản lý, thu hút hơn 26 triệu lượt khách truy cập. Triển khai đồng bộ công tác quảng bá, giới thiệu du lịch trên các nền tảng số và mạng xã hội. Xây dựng 8 kênh quảng bá (Youtube, Tiktok, Facebook, Twitter, Instagram, Pinterest, Linkedln, Zalo) bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, tiếng Việt ; xuất bản trên 268.400 ấn phẩm và đã cấp phát trên 267.740 ấn phẩm các loại tuyên truyền, quảng bá du lịch Ninh Bình, góp phần lan tỏa vẻ đẹp của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư đến với khách du lịch trong nước và quốc tế.  

Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được Sở Du lịch triển khai chủ động, thường xuyên, kịp thời xử lý những vấn đề tồn tại, hạn chế trong hoạt động du lịch, tạo chuyển biến trên nhiều lĩnh vực, nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước của ngành. Từ năm 2019 đến nay, Sở Du lịch tiến hành 19 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 523 cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch (410 cơ sở lưu trú; 53 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; 29 Hướng dẫn viên; 31 khu, điểm du lịch); phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thanh tra 08 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh (05 cơ sở lưu trú, 03 khu, điểm du lịch). Qua công tác kiểm tra đã phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh và lập biên bản xử phạt hành chính 46 tổ chức, cá nhân với số tiền là 122.050.000 đồng nộp Kho bạc Nhà nước tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh quan tâm chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lập đề án và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch như: Làng hoa đào phai tại thành phố Tam Điệp; Làng nghề thêu ren Văn Lâm; Làng đá Mỹ Nghệ tại huyện Hoa Lư; Làng nghề cói Kim Sơn. Nhiều đặc sản Ninh Bình đã được công nhận là món ăn nổi tiếng của Việt Nam và kỷ lục châu Á như: Dê núi Trường Yên, rượu Kim Sơn, nem Yên Mạc; cơm cháy Ninh Bình và mắm tép Gia Viễn. Đến nay, Ninh Bình có Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An được Chính phủ công nhận là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia; Cố đô Hoa Lư là di tích lịch sử kiến trúc cấp Quốc gia và Cột kinh phật chùa Nhất Trụ, Long sàng trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Bộ Phủ Việt đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Bộ Phủ Việt đền thờ vua Lê Đại Hành là Bảo vật Quốc gia. Đây là những giá trị quan trọng góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình.

Với nhiều giải pháp đồng bộ kết hợp giữa xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh bên trong điểm đến, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch ở trong nước và quốc tế, du lịch tỉnh Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ. Du lịch phát triển có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ; đồng thời thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển. Dự kiến năm 2023, du lịch của tỉnh ước đón khoảng trên 6,5 triệu lượt khách, tăng 74,95% so với năm 2022, trong đó có khoảng 450.000 lượt khách quốc tế; số lượt khách lưu trú qua đêm ước đạt 1.123.000 lượt, ước đạt 1.890.000 ngày khách lưu trú. Doanh thu dự kiến đạt trên 6.500 tỷ đồng, tăng 106,45% so với năm 2022./.

Thu Hoài (Sở Du lịch)

 

 

                                                                            

 

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?