Chủ Nhật, 23/02/2025
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Ninh Bình: Tranh từ lá bồ đề chứa đựng câu chuyện văn hoá lịch sử quê hương

Thứ tư, 25/09/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Những bức tranh được làm từ lá bồ đề biểu tượng của sự giác ngộ và bình an trong Phật giáo không chỉ chứa đựng sự sáng tạo mà còn ẩn chứa thông điệp sâu sắc của giá trị văn hoá, lịch sử của vùng đất Cố đô.

Những bức tranh được ghép từ hàng trăm lá bồ đề. Ảnh: An Nhiên

Cây bồ đề được xem là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo. Tương truyền, cách đây khoảng 2.500 năm tại Ấn Độ, Phật Tổ ngồi dưới gốc bồ đề và ngộ ra giáo lý của Phật giáo. Từ đó, cây bồ đề được biết đến như là cây của giác ngộ, học vấn và thức tỉnh. Ở Ninh Bình, cây bồ đề được trồng nhiều tại các khu, điểm du lịch, vừa điểm tô nét đẹp cảnh quan, vừa sử dụng lá để làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của nơi đây.

Những chiếc lá bồ đề dùng để làm tranh phải là lá bánh tẻ, hình dáng đẹp đem về ngâm vào nước vôi trong khoảng 2 tháng. Sau đó được chải sạch diệp lục, giữ lại phần xương lá mỏng manh. Sau khi phơi khô trong nắng nhẹ, loại bỏ những chiếc bị rách, mỗi chiếc lá thường sẽ được phủ lên 1 lớp sơn nhũ và bột nghệ để tạo nên độ vàng óng. Các bức tranh có thể được ghép từ nhiều chiếc lá đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo và óc thẩm mỹ. Mỗi người khi ngắm các tác phẩm hoàn thiện sẽ có cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp của những chiếc lá nhỏ bé hình trái tim ẩn chứa những giá trị Chân, Thiện, Mỹ.

Mỗi bức tranh lá bồ đề là một câu chuyện đầy ý nghĩa về triết lý nhân sinh và văn hoá, lịch sử quê hương. Ảnh: An Nhiên

Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa nghề thêu ren với lá bồ cũng là một phương thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy hiện đại.

Những bức tranh thêu trên lá bồ đề thường lấy cảm hứng từ các biểu tượng tâm linh, hình ảnh thiên nhiên, hoặc những câu chuyện dân gian. Mỗi đường kim, mũi chỉ không chỉ là sự thể hiện của tay nghề mà còn là sự truyền tải của cảm xúc, của tâm hồn người nghệ nhân.

Công đoạn sơ chế và phơi lá bồ đề được thực hiện tỉ mỉ để cho ra đời những chiếc lá đẹp mắt, mang giá trị nghệ thuật cao. Ảnh: An Nhiên

Việc thêu tranh trên lá bồ đề, với những chi tiết nhỏ bé nhưng tinh xảo, không chỉ là một thử thách về kỹ thuật mà còn là sự thử thách về sự kiên nhẫn và lòng yêu nghề, đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của các nghệ nhân. Mỗi chiếc lá bồ đề, với cấu trúc mỏng manh và hình dáng đặc trưng, đã tự thân mang trong mình một vẻ đẹp tự nhiên, tạo nên một nền tảng tuyệt vời cho các tác phẩm thêu. Các nghệ nhân không chỉ phải có kỹ năng thêu thành thạo mà còn cần có sự am hiểu về giá trị tâm linh của lá bồ đề, từ đó tạo nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân và tinh thần. Mỗi chiếc lá, mỗi đường thêu đều mang trong mình một câu chuyện, một thông điệp về sự sống, về triết lý nhân sinh và sự kết nối giữa con người với vũ trụ. Hướng đi mới là thêu tranh trên lá bồ đề đã góp thêm một phần để bảo tồn và phát huy nghề thêu ren truyền thống nói riêng, truyền tải những câu chuyện mang giá trị văn hoá, lịch sử quê hương nhằm gìn giữ hồn cốt, bản sắc dân tộc nói chung.

An Nhiên

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?