Thứ Ba, 16/07/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Ninh Bình thúc đẩy liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng

Thứ năm, 30/03/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc, tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi, có lợi thế cạnh tranh đặc biệt về du lịch với định hướng trở thành một trung tâm du lịch của Vùng và đất nước. Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang sát cánh cùng các tỉnh, thành phố trong Vùng không ngừng tìm tòi đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh xây dựng và phát triển du lịch bền vững.

Hát quan họ trong Lễ hội Tràng An ở Ninh Bình thu hút đông khách du lịch. (Ảnh Xuân Trường)

Vùng đất Cố đô, nơi phát tích của ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Khởi đầu triều Lý, Ninh Bình có đến 1.821 di tích lịch sử văn hóa mà tiêu biểu nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm… Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo động lực quan trọng và điều kiện thuận lợi cho du lịch Ninh Bình phát triển và hội nhập quốc tế. Lĩnh vực du lịch Ninh Bình đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn.
Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Ninh Bình bị thiệt hại nặng nề, tuy nhiên với những biện pháp đầu tư, xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hoạt động du lịch của tỉnh năm 2022 đã nhanh chóng phục hồi trở lại; ước đón gần 4,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 60.000 khách du lịch quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến  hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước). Hình ảnh, thương hiệu du lịch du lịch Ninh Bình từng bước được khẳng định khá đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới; 3 năm liền (2018-2020) được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Đặc biệt năm 2022, Tạp chí Du lịch hàng đầu thế giới Time Out (Anh) bình chọn là danh thắng hoang sơ như đá quý ở Đông Nam Á nhưng vẫn chưa được nhiều du khách nước ngoài biết tới.
3 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Ninh Bình ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khách nội địa đón 3,1 triệu lượt khách, khách quốc tế đón gần 126 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt hơn 2.487 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Để đạt được kết quả này, tỉnh Ninh Bình đã chủ động, linh hoạt trong việc liên kết, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng để cùng nhau phát huy lợi thế cạnh tranh, phát triển.Ninh Bình đã tổ chức ký kết nhiều văn bản liên kết, hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước, cùng phối hợp tuyên truyền quảng bá, trao đổi nghiệp vụ du lịch nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về lữ hành, khách sạn, chuyển đổi số; tổ chức các hoạt động hỗ trợ khách du lịch. Nghiên cứu cùng tổ chức nhiều buổi tọa đàm trong lĩnh vực di tích lịch sử văn hóa và danh thắng; phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch gắn kết các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng như tour du lịch văn hóa sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa lễ hội... Nhờ thế, du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng đã có những chuyển biến tích cực, các dịch vụ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, từng bước đưa du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Trong thời gian tới để thúc đẩy liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng trong phát triển du lịch, các tỉnh, thành phố cần phát huy liên kết, hợp tác phát triển; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù từ những giá trị đặc thù, riêng có. Nâng cao hoạt động trải nghiệm cho du khách. Chú trọng đầu tư các sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, gắn với tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tìm hiểu di chỉ khảo cổ học. Đẩy mạnh xúc tiến thu hút các dự án xây dựng khu du lịch quốc gia, kết nối với khu vực và quốc tế, góp phần phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng thành ngành kinh tế mũi nhọn.

    CTV Thu Hoài - Sở Du lịch

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?