Ninh Bình có hệ thống di tích lịch sử văn hóa có giá trị, vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi đồng thời thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nổi tiếng, Ninh Bình đã bước đầu khai thác hiệu quả loại hình du lịch MICE, góp phần tăng nguồn thu cho ngành du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
MICE (là tên viết tắt của Meeting Incentive Conference Event) là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng, gặp mặt. Các đoàn khách thường rất đông có thể lên tới hàng trăm khách, thời gian lưu trú dài ngày và mức chi tiêu cũng cao hơn khách bình thường, ước tính lợi nhuận từ MICE cao gấp 5 đến 6 lần kinh doanh du lịch thông thường bởi tính chất đặc thù và các dịch vụ đi kèm. Đặc biệt du lịch Mice thường diễn ra quanh năm, mang lại lợi ích ổn định ngay cả những mùa thấp điểm. Vì thế MICE được xem là loại hình du lịch cao cấp, là định hướng chiến lược ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu của các đơn vị kinh doanh du lịch và là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tính thời vụ cho hoạt động du lịch của tỉnh.
Du lịch đồng quê tại Khu du lịch Tam Cốc- Bích Động. Ảnh: Bích Phượng
Ngoài lợi ích cho ngành du lịch, Du lịch MICE còn tác động đến các ngành kinh tế khác và mở ra cơ hội triển vọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó thu hút và phát triển loại hình du lịch MICE đang là vấn đề được ngành du lịch Ninh Bình quan tâm và khuyến khích phát triển.
Theo thống kê của Sở Du lịch, tính đến 30/6/2023 toàn tỉnh có 811 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với 10.339 phòng nghỉ trong đó: 146 khách sạn chiếm 18% tổng số cơ sở lưu trú; 332 nhà nghỉ chiếm 40,9% tổng số cơ sở lưu trú; 333 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) chiếm 41% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh… Ngoài ra một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh chưa nhận thấy hết được lợi ích mà loại hình du lịch MICE mang lại. Do đó phát triển loại hình du lịch MICE tại Ninh Bình vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của loại hình du lịch này.
Bên cạnh đó, ngành thường xuyên tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch, nhiều sản phẩm du lịch mới của các doanh nghiệp đang được đưa vào vận hành và thử nghiệm đã thu hút được nhiều du khách quan tâm như: Phố cổ Hoa Lư; sản phẩm du lịch Golf và gia đình; hoạt động trải nghiệm bãi cắm trại (camping)... Với những sản phẩm mới đa dạng hấp dẫn trên sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi ngành Du lịch sau đại dịch Covid-19, thu hút được đông đảo khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo thống kê của Sở Du lịch, số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tháng 8 ước đạt trên 327 nghìn lượt khách, tăng 5,38% so với tháng cùng kỳ năm trước, số lượt khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú ước đạt trên 93 nghìn lượt, tăng 9,97%; số ngày khách lưu trú ước đạt trên 132,3 nghìn ngày khách, tăng 6,22% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch tháng 8 ước đạt trên 392,4 tỷ đồng, tăng 30,62% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó: Lĩnh vực lưu trú ước đạt trên 50 tỷ đồng, tăng 4,41%; lĩnh vực nhà hàng ước đạt trên 194,4 tỷ đồng, tăng 44,67%; lĩnh vực vận chuyển ước đạt trên 53,7 tỷ đồng, tăng 34,29%; vé tham quan ước đạt trên 24,4 tỷ đồng, tăng 37,52%; bán hàng hóa, quà lưu niệm ước đạt trên 27,6 tỷ đồng, tăng 3,81%; các dịch vụ khác doanh thu ước đạt trên 42,1 tỷ đồng, tăng 25,07%.
Cộng dồn 8 tháng năm 2023, số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 5.200,2 nghìn lượt khách, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Số lượt khách đến cơ sở lưu trú ước đạt trên 847,5 nghìn lượt, gấp hơn 1,7 lần; số ngày khách lưu trú ước đạt trên 1.185,8 nghìn ngày khách gấp hơn 1,7 lần, doanh thu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh cộng dồn 8 tháng năm 2023 ước đạt trên 4.640,3 tỷ đồng gấp hơn 2,4 lần, trong đó: Lĩnh vực lưu trú ước đạt trên 440,3 tỷ đồng gấp hơn 1,5 lần; lĩnh vực nhà hàng ước đạt trên 2.215,1 tỷ đồng, gấp 2,5 lần; lĩnh vực vận chuyển ước đạt trên 753,7 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần; vé tham quan ước đạt trên 311 tỷ đồng, gấp 2,5 lần; bán hàng hóa, quà lưu niệm ước đạt trên 406,9 tỷ đồng, gấp 2,1 lần; các dịch vụ khác doanh thu ước đạt trên 493,2 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần.
Du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng tại Thung Nham. Ảnh: Huy Hoàng
Để du lịch MICE thực sự là hướng phát triển mới của ngành du lịch Ninh Bình, ngoài tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và các dịch vụ hỗ trợ như xây dựng các khu vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm cao cấp,… mà cần có sự có sự liên kết giữa ngành du lịch với chính quyền địa phương, giữa các doanh nghiệp du lịch nhằm xây dựng thương hiệu phù hợp thu hút khách trong và ngoài nước./.
Hải Hà (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?