
Trên khắp dải đất Việt Nam, hiếm nơi nào hội tụ đầy đủ những giá trị đặc sắc về điều kiện tự nhiên và chiều sâu lịch sử văn hoá như Ninh Bình – vùng đất sơn thanh thuỷ tú. Nơi sở hữu quần thể danh thắng Tràng An- di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á, với những giá trị độc đáo, nổi bật toàn cầu. Đó là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để Ninh Bình khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng đô thị Di sản thiên niên kỷ, kết nối với các thành phố di sản trên thế giới, để hào khí vùng đất Cố đô tiếp tục toả sáng trên hành trình hội nhập và phát triển bền vững.
Xuôi dòng Ngô Đồng. Ảnh: Trường Huy
Nằm ở vị trí giao thoa của 3 vùng kinh tế và văn hoá: đồng bằng sông Hồng, rừng núi Tây Bắc và Duyên hải Bắc trung bộ, Ninh Bình là vùng đất cổ giàu trầm tích lịch sử văn hoá. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng những danh thắng nổi tiếng với núi cao, sông sâu, biển trời hoà quyện tạo nên một kỳ quan thiên nhiên đặc sắc, tuyệt mỹ mà ở Ninh Bình mỗi ngọn núi, con sông đều là những địa danh ghi lại những dấu tích văn hoá, lịch sử trong tiến trình thích ứng với thiên nhiên, chống thù trong, giặc ngoài để đứng vững và phát triển. Mỗi tên đất, tên làng là cội nguồn tạo nên sức mạnh thể hiện khát vọng vươn lên của người dân trên mảnh đất Ninh Bình.
Những giá trị nổi bật của vùng đất Hoa Lư Ninh Bình với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn đặc sắc, phong phú là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nhân văn. Trong đó khu danh thắng Tràng An được tỉnh xác định đầu tư để trở thành một khu du lịch Quốc gia, tầm cỡ quốc tế… trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam.
Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đứng thứ 6 toàn quốc có lượng khách du lịch lớn nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượt khách đến tham quan tại Ninh Bình ước đạt trên 6,28 triệu lượt khách, trong đó có trên 500 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 38 % so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch ước đạt trên 6.000 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sau mười năm được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, khu danh thắng Tràng An đã trở thành một minh chứng rõ nét cho một xu hướng tất yếu. Đó là kết nối du lịch di sản liên tỉnh, liên vùng, xa hơn nữa là liên quốc gia, nhằm tạo dựng giá trị và thương hiệu độc đáo của khu di sản.
Nét thanh lịch người Tràng An. Ảnh: Trường Huy
Điều đặc biệt là Tràng An đã tạo dựng thêm những giá trị mới để nối kết tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hoà, bền vững các giá trị di sản.
10 năm với danh xưng Di sản Thiên nhiên – Văn hoá thế giới, người dân Ninh Bình đã được thụ hưởng những lợi ích to lớn. Minh chứng rõ nét nhất là hàng nghìn người đã có việc làm ổn định mà không phải ly hương, ly nông. Dù là công việc chở đò, hướng dẫn viên du lịch hay những doanh nghiệp lớn đều dành hết tâm huyết, sự gắn bó với mảnh đất quê hương mình. Tình yêu, niềm tự hào với Ninh Bình càng được nhân lên gấp bội.
Ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, mỗi người dân ngoài nghề nông và nghề thêu ren truyền thống vẫn được gìn giữ thì người người, nhà nhà đều tham gia làm du lịch. Nhờ những định hướng chiến lược xuyên suốt của tỉnh kết hợp bảo vệ và khai thác di sản với việc phát huy những nét văn hoá bản địa phục vụ cho du lịch xanh, tôn trọng giá trị tự nhiên, lịch sử văn hoá, đã dần thay đổi từ tư duy đến nhận thức và hành động của cộng đồng. Họ biết yêu thiên nhiên, trân trọng và có trách nhiệm với di sản địa phương, góp sức xây dựng nên thương hiệu “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”, đưa Ninh Bình trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và thế giới.
Thuyền chở sản vật trên sông Ngô đồng. Ảnh Vũ Minh.
Có thể thấy di sản là nguồn lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ duy nhất ở Việt Nam. Đây là đô thị có các cảnh quan nhân tạo, với cấu trúc được tổ chức hài hoà với không gian di sản văn hoá và cảnh quan thiên nhiên; phát triển công nghiệp văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.
Áo dài khoe sắc trên quê hương Cố đô. Ảnh: Trường Huy
Để hiện thực hoá mục tiêu trên, ngay từ năm 2014, sau khi quần thể Danh thắng Tràng An trở thành di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn phát huy giá trị vùng lõi di sản và các khu vực phụ cận, trung tâm. Thời gian qua, Ninh Bình cũng luôn quan tâm tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thiết chế văn hóa hiện đại mang đậm bản sắc vùng đất cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử; nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang cảnh quan. Đồng thời thực hiện quản lý, bảo đảm sử dụng đất đô thị đúng quy hoạch, mang lại hiệu quả cao. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 16 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023- 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 sẽ tiến hành hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, xây dựng đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia.
Một trong những định hướng quan trọng của tỉnh là tôn trọng và phát huy các yếu tố đặc trưng, bản sắc của Ninh Bình, làm nền tảng quan trọng để định hình vóc dáng đô thị thiên niên kỷ của tương lai.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, khẳng định và tin tưởng: "Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trên thế giới".
Tương lai của Đô thị di sản với tầm nhìn thiên niên kỷ hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà Đảng bộ chính quyền và mỗi người dân Ninh Bình đồng hành với danh hiệu UNESCO. Vóc dáng của quê hương Cố đô trên chặng đường mới đã được định hình và dần được hiện thực hoá, xứng danh vùng đất đế đô muôn thuở, hướng tới sự phát triển hài hoà, bền vững và nhân văn.
Thiên Hà
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?