Thứ Tư, 22/01/2025
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Những giá trị độc đáo để Ninh Bình xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ

Thứ năm, 06/06/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Với việc lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo, giàu tính nhân văn, cùng những giá trị địa chất, địa mạo nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Ninh Bình hội đủ điều kiện để xây dựng “Đô thị di sản thiên niên kỷ” trong tương lai.

Thực hiện Nghị quyết số 16 ngày 23/8/2023 của Tỉnh ủy Ninh Bình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, trở thành thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính trực thuộc gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là "Đô thị di sản thiên niên kỷ". Trong đó tập trung các di sản văn hóa và thiên nhiên có giá trị đặc biệt, nổi bật tầm quốc gia và quốc tế, mang bản sắc riêng có, thể hiện chiều sâu lịch sử và văn hóa của vùng đất, con người Cố đô.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình hiện có 468 di tích đã được kiểm kê thuộc nhiều loại hình khác nhau như: Chùa, Đình, Đền, Miếu, phủ, Nhà thờ họ, Di tích khảo cổ và các loại hình khác. Toàn vùng có 106 di tích đã xếp hạng; trong đó có nhiều di tích cấp tỉnh, 28 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 01 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới….góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa mang đặc trưng vùng đất cố đô. Về di sản văn hóa phi vật thể, toàn vùng hiện có 104 di sản được kiểm kê, gồm 6 loại hình, trong đó 3 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội Hoa Lư, Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân và nghề thêu ren Văn Lâm…Trong hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng, phong phú đó, nhiều di sản có giá trị tạo nên nét khác biệt, độc đáo.

Không gian lễ hội đặc sắc tạo nên thương hiệu đặc biệt của du lịch Ninh Bình. 

 Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đặc biệt chú trọng khai thác khai thác các tiềm năng, thế mạnh, phát huy giá trị bản sắc riêng của những di sản để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, mang tính đặc thù, đáp ứng nhu cầu của du khách, như: hệ thống sản phẩm du lịch gắn với Quần thể danh thắng Tràng An, hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch làng nghề, sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống, sản phẩm du lịch đô thị... Nhờ vậy, những tiềm năng, thế mạnh của di sản đã được phát huy, đem lại những thay đổi tích cực trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, nâng cao sinh kế cho người dân trong vùng.

Từ những yếu tố tự nhiên, lịch sử, văn hoá trên có thể nhận thấy những giá trị riêng biệt tạo nên bản sắc Ninh Bình đó là: Tính chuyển tiếp của địa hình tự nhiên và lịch sử; Tính kết nối linh hoạt của tự nhiên, văn hóa; Tính đa dạng, hòa hợp của cộng đồng dân cư. Đây là những yếu tố quyết định bản sắc, phản ánh tiến trình lịch sử - văn hóa của một vùng đất, một cộng đồng; là những điều kiện cơ bản, là cơ sở lịch sử - xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đồng thời giảm thiểu và tránh được những nguy cơ làm tổn hại và phá hủy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Tiêu biểu là Quần thể Danh thắng hỗn hợp Tràng An - là một địa danh du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận.

Nhiều di tích danh thắng nơi đây đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư... Đây là khu vực điển hình cho tính chất đa dạng nhưng hòa hợp của điều kiện tự nhiên ở Ninh Bình, điển hình cho cảnh quan nhân văn bằng việc đưa những công trình mới vào cảnh quan tự nhiên và cảnh quan lịch sử. Tại đây cộng đồng dân cư đã sống cùng di sản, bảo vệ và phát triển di sản… từ đó phát triển sinh kế là nông nghiệp và dịch vụ du lịch; tạo nên những nét độc đáo đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.

Danh thắng Tràng An - điểm nhấn độc đáo của du lịch Ninh Bình.

Nhằm phát huy và khai thác hết các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, sớm đạt mục tiêu xây dựng Hoa Lư trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ. Bên cạnh các nhóm các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, thì công tác bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản…được xem các là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hoà dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó chú trọng tạo không gian hợp lý để bảo vệ các vùng di sản, di tích lịch sử hiện có, phục hồi lại các khu vực di tích lịch sử quan trọng, khai thác phát triển kinh doanh dịch vụ một cách hợp lý đối với các khu vực di sản, di tích khác. Xem xét hài hòa giữa phát triển đô thị mới với bảo vệ các làng mạc, khu dân cư, cảnh quan thiên nhiên, yếu tố phong thủy… là những thành phần tạo nên đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư.

Giá trị văn hóa, lịch sử cùng với công tác bảo tồn đã và đang là tài sản kinh tế rất quan trọng, làm tiền đề phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản. Với những giá trị đặc biệt đó, đô thị di sản thiên niên kỷ mà tỉnh định hướng xây dựng là một đô thị mang đặc trưng một vùng di sản, đô thị duy nhất ở Việt Nam vừa sở hữu Cố đô, vừa sở hữu di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản tư liệu, di sản văn hóa phi vật thể mang tầm khu vực và thế giới.

Để hướng tới đô thị di sản thiên niên kỷ cần có cách tiếp cận mới nhằm đảm bảo đô thị phát triển theo tầm nhìn và mục tiêu đã đề ra. Trong đó, cần nhận rõ bản sắc truyền thống là cách thức đảm bảo cho quá trình phát triển đồng thời với bảo tồn di sản, tài nguyên. Nghiên cứu chuyển biến và tích hợp những bản sắc về lịch sử - văn hóa trong quá trình xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, chắc chắn Ninh Bình sẽ bảo toàn và phát triển một di sản độc đáo và bền vững.

BCXB

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?