
Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư là những chủ thể chính đã được xác định trong công tác quản lý ở Quần thể Danh thắng Tràng An. Trong đó, cộng đồng dân cư có vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như "hạt nhân", góp phần tạo nên thành công trong công tác bảo tồn di sản ở Tràng An những năm qua.
Quần thể danh thắng Tràng An
Nở một nụ cười thật tươi chào tạm biệt vị khách cuối cùng lên bờ, bà Nguyễn Thị Hường là lái đó ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cho biết: "Ở đây, mỗi chị em đều ví mình như một đại sứ du lịch. Ngoài việc chở du khách an toàn trên mỗi chuyến đò thì câu chuyện mà chúng tôi muốn kết nối với du khách chính là cảnh đẹp và nền văn hóa Cố đô. Đi đến đâu tôi cũng cố gắng giới thiệu thật kỹ cho mọi người "mỏm đá này vì sao đặt tên như vậy, ngôi chùa này thờ ai, họ có công lao như thế nào". Tôi nghĩ đó là cách dễ nhất để bảo tồn các giá trị của di sản…"
Cách đó không xa, chị Hoàng Thị Lan, bán hàng lưu niệm ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động chia sẻ: "Chúng tôi càng tự hào về quê hương bao nhiêu thì càng mong muốn du khách khi đến đây cùng chung tay bảo vệ di sản bấy nhiêu. Không chỉ giới thiệu cho du khách những cảnh đẹp của quê hương, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động mọi người không vứt rác bừa bãi, không phá vỡ cảnh quan khi tham quan và thực hiện tốt nếp sống văn minh, văn hóa. Tôi nghĩ tiếp xúc với những người dân địa phương yêu thiên nhiên, luôn bảo vệ môi trường thì không có lý gì du khách lại tàn phá thiên nhiên, tàn phá di sản cả".
Có thể nói, suy nghĩ "Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản" đã thực sự trở thành phương châm đối với những người như bà Hường, chị Lan hay bất kỳ người dân nào khác. Để từ đó, trên cả niềm vui, niềm hãnh diện vì di sản của quê hương, mỗi người đều tự ý thức làm sao để bảo vệ và gìn giữ di sản tốt hơn. Điều này càng khẳng định, việc xác định vai trò trung tâm của cộng đồng dân cư đối với hoạt động bảo tồn, quản lý di sản là hoàn toàn đúng đắn, góp phần chung tay bảo vệ di sản bền vững.
Ông Hà Đức Kim, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư chia sẻ: Là xã nằm trọn trong vùng lõi của di sản nên chúng tôi nhận thức rất rõ vai trò và trách nhiệm của địa phương trong việc bảo tồn, phát huy và quản lý các giá trị của di sản. Để thành công trong công tác này, ngoài sự quan tâm kịp thời, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành thì vai trò của người dân là rất quan trọng. Bởi hơn ai hết, thông qua các hoạt động kinh doanh dịch vụ như lái đò, hướng dẫn viên, khai thác dịch vụ lưu trú, bán hàng lưu niệm…, họ chính là lực lượng nòng cốt góp phần đưa hình ảnh và thương hiệu di sản đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Vẻ đẹp của Tràng An
Trong những năm qua, nhiều hoạt động tuyên truyền đã được địa phương phối hợp với các sở, ngành, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An thực hiện bằng các hình thức, nội dung phong phú như tuyên truyền miệng, thông qua các hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật, các hội thảo, các buổi giao ban, họp thôn, thông qua các chi hội, đoàn thể…, lồng ghép với tuyên truyền trực quan: Kẻ vẽ, chăng treo băng zôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu... tại các khu vực trung tâm xã, khu tập trung đông dân cư và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ việc được tuyên truyền, giáo dục, người dân địa phương đã lan tỏa những thông điệp ấy đến khách du lịch. Nhờ vậy, ý thức của du khách được nâng lên. Cộng đồng dân cư còn là "tai mắt" cùng với chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm trong hoạt động di sản.
Trong 6 tháng đầu năm nay, thông qua tố giác của quần chúng cùng công tác tuần tra, kiểm soát đã phát hiện và tạm giữ 14 phương tiện vận chuyển vật liệu để xây dựng trái phép, kịp thời tháo dỡ gần 60 m tường xây vi phạm, 32 m2 móng nhà trên đất nông nghiệp. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của cộng đồng dân cư trong việc quản lý và bảo tồn di sản, ngay sau khi Quần thể danh thắng Tràng An đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp ban hành các văn bản, nghị quyết tập trung quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đó coi trọng đặc biệt đến việc nâng cao nhận thức, tạo sinh kế bền vững, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và quản lý giá trị di sản.
Hiện Quần thể danh thắng Tràng An đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động trực tiếp, 20 nghìn lao động gián tiếp. Ngoài ra, người dân còn được tham gia vào việc quản lý di sản, hình thành sự cân bằng giữa bảo tồn và đảm bảo sinh kế người dân, tiến tới xây dựng cộng đồng trở thành "trung tâm" trong công tác bảo vệ di sản.
Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Ninh Bình, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã đánh giá cao về mô hình mà Quần thể danh thắng Tràng An đang vận hành, đặc biệt là việc phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và quản lý di sản. Ông cho biết: "Ninh Bình là một trong những địa phương ở Việt Nam đi đầu trong việc xây dựng bộ quy chế tương đối đầy đủ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong quản lý di sản. Chúng tôi đánh giá cao mô hình mà Tràng An đang vận hành đó là mô hình Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhân dân. Trong đó vai trò nòng cốt là người dân, cộng đồng dân cư đã được tỉnh Ninh Bình khơi dậy. Quan trọng nhất là các bạn đã đảm bảo được hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhân dân. Họ chính là chìa khóa vạn năng để đưa những chính sách của các bạn hiệu quả hơn. Họ cũng chính là chủ nhân sẽ quyết định đến tính bền vững, trường tồn của di sản bởi họ là những "từ điển sống", lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ đời sau. Các bạn có quyền tự hào vì những bài học của Tràng An, có thể coi là kinh nghiệm cho việc quản lý di sản cả văn hóa, thiên nhiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á".
Những ghi nhận, đánh giá từ những chuyên gia hay các tổ chức một lần nữa khẳng định sự đúng đắn, kịp thời của tỉnh trong việc xác định các chủ thể trong hoạt động quản lý Quần thể danh thắng Tràng An mà cộng đồng dân cư được coi là "hạt nhân" quan trọng góp phần vào thành công này. Từ việc sở hữu di sản, được hưởng lợi từ di sản, người dân đều chung tay bảo vệ, coi di sản là tài sản của mình. Họ tự coi mình là chủ thể phải có trách nhiệm với những giá trị địa chất, địa mạo, thẩm mỹ nơi đây, từ đó có ý thức trao truyền các giá trị này cho thế hệ tương lai. Đây cũng chính là mục tiêu mà tỉnh Ninh Bình hướng tới nhằm tôn trọng các giá trị nổi bật toàn cầu, đảm bảo tính nguyên vẹn, trường tồn của di sản.
Minh Ngọc
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?