Sáng ngày 3/3, tại Hội trường bảo tàng Vườn Quốc gia Cúc Phương đã diễn ra hội thảo "Du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương" nhằm tiếp tục thúc đẩy các hoạt động du lịch sinh thái, chuyển tải thông điệp, chia sẻ mối quan hệ giữa rừng và cuộc sống.
Các đại biểu tham gia, thảo luận tại Hội thảo
Tham dự có đại diện Sở Du lịch, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Phòng Giáo dục- Đào tạo các huyện: Nho Quan, Yên Thủy, Lạc Sơn, Thạch Thành, cộng đồng làm du lịch trên vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương, một số tổ chức phi chính phủ (NGO) và công ty du lịch, lữ hành khu vực phía Bắc.
Trong những năm gần đây, du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm tại các Khu bảo tồn thiên nhiên đang là xu thế của nhiều du khách. Vườn Quốc gia Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiều sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường, được quốc tế bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á 4 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021, 2022). Thời gian qua, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức được "hệ sinh thái" du lịch với nhiều sản phẩm giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường, thiên nhiên. Rừng như một "bào tàng sống", trở thành ngôi trường lớn, thu hút nhiều thế hệ học sinh, sinh viên tham quan và học tập.
Với tiềm năng phát triển du lịch tại vườn quốc gia, khu bảo tồn; nguồn tài nguyên này cho phép tạo ra những dòng sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp hoạt động trải nghiệm có khả năng cạnh tranh, đa dạng, cải thiện thu nhập cho cộng đồng, góp phần cho công tác bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, cứu hộ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Vườn có sẵn nhiều tài nguyên du lịch; có tiền đề tốt về công tác quản lí, bảo vệ rừng, cứu hộ, bảo tồn động thực vật với nhiều sản phẩm, hoạt động du lịch và cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhiều nơi còn thiếu quảng bá và ít sản phẩm du lịch mang tính đặc thù nên chưa thu hút được khách du lịch.
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu, khách mời đã cùng nhau trao đổi, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động liên kết, hợp tác phát triển; đồng thời đưa ra các ý kiến tâm huyết và gợi ý giải pháp để đưa du lịch Ninh Bình nói chung, du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Ông Tống Anh Đệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Lãnh đạo Sở Du lịch phát biểu tại hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, lãnh đạo Sở Du lịch nhấn mạnh: Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn cần có kế hoạch, chính sách bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên. Việc xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm cho du khách là rất cần thiết nhưng cần lưu ý không làm tổn hại đến thiên nhiên, hướng tới bảo vệ môi trường đó mới là cách làm du lịch sinh thái đúng, bền vững.
Tại chương trình cũng đã diễn ra hoạt động kí biên bản cam kết phối hợp giữa Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ với 2 đơn vị du lịch lữ hành.
Các đơn vị lữ hành ký hợp tác với Vườn quốc gia Cúc Phương về chương trình phát triển du lịch bền vững
Thành Trung
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?