
Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Kinh đô Hoa Lư hiện còn lưu giữ có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc và trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, nhất là khi Ninh Bình đang hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Long sàng – Bảo vật quốc gia tại Cố đô Hoa Lư. Ảnh: TH
Qua bao thăng trầm của lịch sử, Kinh đô Hoa Lư đã trở thành một vùng văn hóa đặc sắc. Những dấu tích, di tích tại Hoa Lư góp phần lưu giữ, truyền tải các giá trị văn hóa từ xa xưa để lại cho đến hôm nay. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế và của tỉnh đều có chung nhận định: Kinh đô Hoa Lư của cả nước trong 42 năm tồn tại đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của quốc gia và để lại một di sản rất phong phú về giá trị lịch sử trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Đó là một thành tựu lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước, một cột mốc rất quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta ở thế kỷ X.
Hoa Lư là kinh đô của 3 triều đại Đinh-Tiền Lê và buổi đầu Triều Lý, tồn tại trong 42 năm (968-1010). Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra thành Đại La, sau đổi là Thăng Long, Hà Nội, Kinh đô Hoa Lư được gọi là Cố đô Hoa Lư từ đấy.
Ngày nay, đến với Cố đô Hoa Lư, quá khứ, hiện tại và tương lai, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và con người như hòa quyện nhau, đưa ta về cội nguồn ngàn năm bất khuất của dân tộc. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Kinh đô Hoa Lư hiện còn lưu giữ có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc, là biểu tượng sống động thể hiện ý chí quật cường, lòng tự tôn, niềm khát khao độc lập tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử.
Những năm qua, nhận thức sâu sắc những giá trị to lớn, quý báu của di sản Kinh đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình luôn coi trọng, quan tâm nghiên cứu, đầu tư và phát huy các di sản ông cha để lại, coi đó là nguồn lực chiến lược quan trọng để phục vụ thiết thực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa.
Kinh đô Hoa Lư của một thời vàng son. Ảnh: TH
Giá trị của các di sản Kinh đô Hoa Lư được phát huy hiệu quả để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng. Từ đây mở ra hướng đi mới trong phát huy giá trị di sản địa phương, để văn hóa là sức mạnh nội sinh theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ tỉnh.
Đô thành - đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt. Ảnh: TH
Du lịch, công nghiệp văn hóa của Ninh Bình đã có nhiều khởi sắc và bước phát triển đột phá với nhiều kết quả quan trọng: Công tác quản lý Nhà nước về du lịch, về văn hóa được tăng cường; chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch, công nghiệp văn hóa có chuyển biến tích cực; hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công nghiệp văn hóa, phục vụ du lịch được tập trung đầu tư ngày càng hoàn thiện; hoạt động du lịch, dịch vụ từng bước được tổ chức, quản lý khoa học, theo hướng chuyên nghiệp, bền vững; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh được đảm bảo. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa miền đất, con người Ninh Bình được đưa vào khai thác, bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách, như: Hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm các giá trị thiên nhiên gắn với Quần thể danh thắng Tràng An; hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; sản phẩm du lịch làng nghề; sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống; sản phẩm du lịch đô thị; du lịch vui chơi giải trí; du lịch văn hóa ẩm thực đường phố...
Các hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ di sản gắn với khai thác các loại hình du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái gắn với mô hình sinh kế nông nghiệp, nông thôn được phát huy, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Những giá trị nổi bật của đô thành - đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt, cũng như của đô thị - cảng thị trung đại tựa núi, nhìn sông, mở ra Biển Đông đầu tiên ở khu vực phía Bắc đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử, văn hóa Kinh đô Hoa Lư. Đây chính là nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh mẽ và lợi thế căn bản cho thành phố Hoa Lư trong tương lai, nâng tầm trở thành Đô thị Di sản thiên niên kỷ văn minh, hiện đại.
Bài, ảnh: TH
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?