Thứ Ba, 16/07/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Đến Ninh Bình thăm làng nghề Gốm Gia Thủy với tuổi đời hơn 50 năm

Thứ hai, 11/12/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 77 làng nghề. Các làng nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình sở hữu bề dày lịch sử - văn hóa cùng cảnh quan đặc sắc, có truyền thống lịch sử hàng trăm năm, hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, mang đậm “hơi thở” quê hương gắn với đời sống cộng đồng dân cư; trải qua nhiều thăng trầm, biến chuyển, nhưng nét đẹp không gian văn hóa trong các làng nghề truyền thống vẫn được các thế hệ người dân gìn giữ, phát huy trong đời sống hôm nay. Nổi bật như: Gốm sứ Bồ Bát là khởi tổ của gốm sứ Bát Tràng - Hà Nội; Thuê ren Văn Lâm - Ninh Hải có truyền thống trên 700 năm; Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân - Hoa Lư; Làng nghề Gốm Gia Thủy với tuổi đời hơn 50 năm… Thông qua việc gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống vừa là nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để mở mang du lịch, góp phần quảng bá tinh hoa làng nghề, tạo thêm nguồn thu cho địa phương.

Sản phẩm gốm Gia Thuỷ.

Thuộc địa phận huyện Nho Quan, làng gốm Gia Thủy là một trong những làng nghề truyền thống vẫn còn tồn tại nơi vùng đất Ninh Bình. Theo các nghệ nhân của làng, gốm Gia Thủy có tiền thân là gốm Long Thịnh. Năm 1959, một số thợ gốm ở Thanh Hóa đã di cư về đây và mở một số lò gốm làm các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt như nồi, niêu, chum, vại. Từ đó, làng gốm Gia Thủy ra đời. Năm 2007, làng gốm Gia Thủy được công nhận là làng nghề truyền thống.

Để làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng cần có nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng quan trọng như nhau. Ngay cả những công đoạn tưởng chừng như đơn giản, chỉ cần có sức vóc là đã hoàn thành được nhiệm vụ như làm đất, nung lò cũng đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, lành nghề và quan sát tinh tế.

Thiên nhiên ban tặng cho Gia Thủy nguồn tài nguyên đất sét quý giá có màu nâu vàng, loại đất này có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt, đây là nguyên liệu có sẵn tại địa phương và chỉ tại làng nghề Gia Thủy mới có. Đất khi lấy về sẽ được phơi khô, đập nhỏ rồi cho vào bể ngâm. Sau đó, dùng máy quấy đều rồi múc lọc qua sàng. Gạn bớt nước phía trên, lấy phần đất đông đặc rồi mang ra phơi khô, đến khi đạt đủ tầm dẻo là mang ra làm được. Việc phơi đất cũng đòi hỏi phải thật cẩn thận, bởi nếu để đất khô quá hoặc ướt quá thì sẽ rất khó tạo hình. Vì thế khi phơi người thợ phải thường xuyên quan sát độ khô ướt của đất.

Đất sau khi phơi sẽ được đem vào xưởng sản xuất làm nhuyễn thêm để tạo độ keo và mịn hơn khi nặn. Qua những bàn tay điêu luyện của người thợ lành nghề, đất đã chuyển mình thành hình, thành khối, có đường nét như ý và ẩn chứa cả hồn cốt của người thợ Gia Thủy. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ nặn đất theo mẫu khác nhau. Thông thường để làm ra những chiếc vò, chum, vại người thợ sẽ nặn đất thành những thớ dài và tròn để khi đưa lên bàn xoay ghép lại với nhau được dễ dàng hơn. Việc tiếp củi vào lò nung cũng rất quan trọng. Để ra được sản phẩm đẹp, chất lượng thì công đoạn nung sản phẩm đóng vai trò quyết định. Nếu trong quá trình nung, thợ không điều chỉnh lửa, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp thì sản phẩm sẽ cong, vênh hoặc rạn…

Kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình, nét đặc trưng nền văn hóa của một vùng đất, nghệ nhân làng gốm Gia Thủy đã biết tạo ra những sản phẩm gốm không chỉ phục vụ cho cuộc sống đời thường mà còn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Trải qua nhiều năm thăng trầm, đến nay nghề gốm Gia Thủy vẫn đứng vững và ngày càng phát triển mạnh. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài./.

Thu Hoài - Sở Du lịch

 

 

 

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?