Thứ Ba, 16/07/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Dấu ấn kinh đô Hoa Lư xưa

Chủ nhật, 15/10/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, đồng thời là một trong 4 vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hệ thống di tích nơi đây liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại Nhà Đinh, Tiền Lê và khởi đầu Nhà Lý. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, kháng Tống - bình Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời Kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long - Hà Nội, Hoa Lư trở thành Cố đô. 

 Dấu tích kinh đô Hoa Lư xưa gồm có cung điện, thành nhân tạo, thành thiên tạo, hệ thống chùa cổ, kiến trúc đình làng, đền chùa, phủ miếu, đô thị cổ, lễ hội…

Cung điện dưới lòng đất: Qua quá trình khảo cổ học xuất lộ đoạn tường thành dài trên 30m. Cố đô Hoa Lư là một kiến trúc hài hòa giữa nhân tạo và thiên tạo. Các triều vua đã sử dụng triệt để sự lợi hại của những dãy núi và hệ thống sông hào làm thành quách để xây dựng cung điện. 

Đoạn tường có bề mặt rộng 0,85m, cao 0,5m là sự kết cấu của những viên gạch lát nền có trang trí hình hoa sen tinh xảo, hình chữ nhật, mầu đỏ tươi, có in chữ Hán: "Đại Việt quốc quân thành chuyên" (Gạch Đại Việt xây thành), một loại gạch phổ biến dưới triều Đinh. Ngoài ra còn có rất nhiều hiện vật khác như ngói ống có phủ riềm, nằm sâu dưới đất ruộng, khai quật lên, còn lành nguyên và cả những chì lưới, vịt... làm bằng đất nung. Qua những hiện vật có thể thấy thành quách kiên cố, nhiều kiến trúc lớn và trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật riêng thời Đinh - Lê đơn giản, khỏe khoắn.

Móng đoạn tường này được gia cố bằng phương pháp đóng cọc gỗ, lót lá. Trên lát cắt của tầng văn hóa khảo cổ có nghìn năm tuổi này còn cho thấy dấu ấn nhiều thời đại. Hiện nay, đã có nhiều hiện vật được tìm thấy như gạch hình vuông tráng trí hoa sen, chim phượng; dòng gốm bát, đĩa, men trắng, xám nhạt; vò sáu núm của thời kỳ nhà Đinh; gốm men trắng ngả vàng thời Lý-Trần; gốm hoa lam thời hậu Lê.

Kiến trúc đền thờ: 

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn, như gạch xây cung điện có khắc chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký. Kiến trúc xây theo phong cách “nội công ngoại quốc”. Nơi lưu giữ hai chiếc sập đá (long sàng) vô cùng độc đáo, được ghi nhận là bảo vật quốc gia. 

Đền thờ Vua Đinh. Ảnh: MT

Đền Vua Lê Đại Hành nằm cách đền Vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét. Đền vua Lê quy mô nhỏ hơn nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo. Nét độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. 

Tế lễ tại đền Lê. Ảnh: Thanh Hường

Đền thờ Công chúa Phất Kim được xây dựng từ thời nhà Tiền Lê. Đền nằm gần đền thờ Lê Hoàn và chùa Nhất Trụ. Tương truyền vị trí này nằm trên nền nhà của cung Vọng Nguyệt, nơi trước đây bà đã ở. Chiếc giếng bà nhảy xuống tự vẫn đến nay vẫn còn trước của đền. Đền thờ Phất Kim là một ngôi đền cổ suy tôn người phụ nữ thế kỷ X, hiền lành, trung hậu và chịu nhiều sóng gió cuộc đời; giá trị tâm linh của ngôi đền còn thể hiện ở ý nghĩa: dù thời thế có đổi thay, thăng trầm nhưng cội nguồn văn hóa là mãi mãi trường tồn.

Đền thờ công chúa Phất Kim. Ảnh: TL

Kiến trúc đình làng: Đình Yên Thành nằm cạnh chùa Nhất Trụ, thuộc làng cổ Yên Thành là nơi trung tâm nhất của cung điện Hoa Lư xưa. Đình Yên Trạch thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Đình nằm ở làng cổ Yên Trạch, cách trung tâm quảng trường cố đô 2 km. Đình Yên Trạch nằm phía đông bắc của xóm Đình. Phía nam giáp đất thổ cư của dân xóm Đình, ba phía còn lại giáp với hồ, ruộng canh tác. Đình toạ lạc trên khoảng đất rộng, cao ráo. 

Đình Yên Hạ thờ Vua Lê Đại Hành. Các đình làng Yên Trung, Yên Thượng, Chi Phong, Lạc Hối đã bị phá hủy trong chiến tranh, hiện đã có kế hoạch phục dựng. Ảnh: TL

Kiến trúc chùa cổ:  Chùa Nhất Trụ (chùa Một Cột) cùng với đình Yên Thành tọa lạc ở gần đền Vua Lê Đại Hành, được Vua Lê Đại Hành xây dựng để mở mang phật giáo. Hiện còn cột kinh Phật trước chùa vẫn giữ nguyên vẹn từ nghìn năm trước, được coi là thạch kinh cổ nhất Việt Nam cũng được ghi nhận là bảo vật quốc gia. Cột kinh Phật tại chùa Nhất trụ được dựng từ thế kỷ thứ X đến nay vẫn còn tại vị trí cũ. Với những nét độc đáo, Cột kinh Phật đã minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ đạo Phật ở Việt Nam. Đây là thời kỳ bắt đầu giành độc lập, thống nhất thể hiện sự khéo léo trong nghệ thuật trang trí, chạm khắc trên đá, nghệ thuật chế tác của ông cha ta thời bấy giờ. 

Chùa Nhất Trụ. Ảnh: TL

Chùa Bái Đính gồm có một khu chùa cổ và một khu chùa mới với đền thờ đức Thánh Nguyễn, hang động sáng thờ Phật, hang động tối thờ Tiên và đền thờ thần Cao Sơn. Chùa Bà Ngô được xây từ thời nhà Đinh. Nằm bên phải bờ sông Hoàng Long thuộc khu vực ngoại vi thành Hoa Lư xưa. Chùa Bàn Long cũng được hình thành từ thời Đinh. Khi chúa Trịnh Sâm đã đến thăm, tay đề ba chữ lớn: "Bàn Long Tự" trên vách cửa động. "Bàn Long" là bệ rồng - bệ đá rồng ngồi. 

Chùa Tháp là ngôi chùa cổ mà nay chỉ còn lại vết tích ở nền sông Hoàng Long. Trong số tảng đá chân cột, có những viên hình vuông cạnh hơn 1 m và vòng tròn ở giữa có đường kính 0,68 m. Chùa tên là chùa Tháp vì có tháp Báo Thiên thời Đinh-Lê. 

Bái Đính cổ tự. Ảnh: TL

Chùa Kim Ngân là một ngôi chùa cổ nằm ở thôn Chi Phong, thuộc vòng thành trong ở phía tây, xưa là nơi cất giữ vàng bạc từ khi vua Lê Đại Hành cày tịch điền ở ruộng Kim Ngân.  Hoa Sơn động nằm ở Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, ở độ cao gần 70 mét. Chùa Am thuộc thôn Yên Trung, nằm ở phía tây bắc núi Đìa; chùa Đìa thuộc thôn Yên Thành, nằm ở phía đông nam núi Đìa, xã Trường Yên. Đây là hai chùa cổ thời Đinh xây dựng theo kiểu động chùa, tựa lưng vào núi.
Hệ thống lăng, bia: Nhà bia Lý Thái Tổ là di tích được thành phố Hà Nội xây dựng tại cố đô Hoa Lư.

Nhà bia Lý Thái Tổ: Ảnh: TL

Lăng Vua Đinh xây bằng đá, được đặt trên đỉnh núi. Trước lăng một tấm bia đá có đề chữ mà qua đó, người đời sau biết được lăng được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 21 và đến năm Hàm Nghi thứ nhất có trùng tu lại. Lăng Vua Lê Đại Hành cũng xây bằng đá nhưng nằm dưới chân Mã Yên Sơn đi về hướng nam. Trước lăng cũng có bia dựng từ đời Minh Mạng. Lăng mộ Đinh Bộ Lĩnh được đặt ở chính giữa núi, nơi võng xuống thấp mà dân gian hình dung là cái yên ngựa. 

Bia Cầu Dền là một tấm bia cổ, minh chứng xác thực cho sự xuất hiện chiếc cầu đá bắc qua sông Sào Khê và cũng là một cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư từ thời nhà Đinh.

Hệ thống phủ, miếu: 

Phủ Vườn Thiên nằm cách quảng trường trung tâm khu di tích cố đô Hoa Lư 600m. Phủ có kiến trúc y hệt quy mô của một ngôi đền với 3 tòa chầu vào sân giữa. Phủ Vườn Thiên thờ thái tử Lê Long Thâu, con cả Vua Lê Đại Hành, là người cai quản Tháp Tư thiên. Phủ Đông Vương thuộc thôn Đông Thành thờ Đông Thành Vương, tức hoàng tử Lê Long Tích con thứ hai của Vua Lê Đại Hành. Tại đây còn phối thờ Khai Quốc Vương cai quản Hoa Lư sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long. Ngoài ra còn có: Phủ Phù Dung, Phủ Bến Đò, phủ Cửa Đền, phủ Đột, phủ Khống ở Tràng An là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời, Phủ Thành Hoàng (còn gọi là đền Hành khiển thuộc thôn Áng Ngũ) thờ Nguyễn Bặc; phủ Làng Thong ở thôn Thong Bái thờ một vị tướng được tôn gọi là Vạn Dần Đại Vương phụ trách thủy quân thường xuyên luyện tập ở sông Sào Khê, đoạn gần hang Luồn suốt hai triều Đinh và Tiền Lê.

Hội thi đua thuyền tại Lễ hội Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Huy Hoàng

Ngoài các dấu tích của Kinh đô Hoa Lư xưa, nơi đây còn được bảo tồn và phát huy các Lễ hội Cố đô Hoa Lư (Lễ hội truyền thống Trường Yên) thường diễn từ ngày 8- 10 tháng Ba âm lịch hàng năm. Phần lễ với các nghi thức lễ rước nước, thả rồng, tế lễ, tái hiện Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, ngũ quả tiến Vua… Phần hội có thi cờ người, đấu vật và nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao khác./. 

Hồng Nhung (t/h)

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?