Thứ Tư, 22/01/2025
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự phát triển du lịch vùng đất “Di sản thiên nhiên kỷ”

Thứ ba, 30/07/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, dành tình cảm đặc biệt với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình. Đặc biệt, trong các chuyến về thăm và làm việc tại Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm các khu, điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, ngày nay thuộc Quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, lưu lại dấu ấn đặc biệt những lời căn dặn cho việc bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Vũ Minh

Trong những lần về thăm, làm việc với tỉnh Ninh Bình, Tổng Bí thư đã có những gợi mở, định hướng cho tỉnh phát huy lợi thế của một vùng đất có nhiều di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để tiếp tục phát triển du lịch và dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2010, trong chuyến làm việc tại tỉnh Ninh Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã dành thời gian để đến tham quan Cố đô Hoa Lư và trò chuyện cùng các cán bộ quản lý, nhân viên Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Với những người tham gia tiếp đón, phục vụ đoàn khi ấy, đã có những xúc cảm đặc biệt về hình ảnh một vị lãnh đạo cấp cao giản dị, am tường về văn hóa, di sản, cùng những lời căn dặn ân cần, sâu sắc trong gìn giữ, phát huy kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng và hết sức có giá trị của đất nước trên quê hương Ninh Bình.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến tham quan khu du lịch chùa Bái Đính và khu du lịch sinh thái Tràng An. Nghe địa phương thông tin về công tác bảo tồn di sản, nỗ lực trong hành trình xây dựng hồ sơ đăng ký công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới cho Quần thể danh thắng Tràng An. Trao đổi về những tiềm năng, lợi thế phát triển của Ninh Bình, nhất là trong khai thác, phát triển du lịch bền vững, đồng chí đặc biệt quan tâm đến những dự án tạo đột phá, tư duy và tầm nhìn phát triển của tỉnh Ninh Bình trong chiến lược phát triển du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa, thiên nhiên. Yêu cầu trên cơ sở quy hoạch, làm rõ tiềm năng và lợi thế, từ đó có định hướng phù hợp và phát triển bền vững.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác thăm danh thắng Tràng An. Ảnh: Vũ Minh

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ngày 20/1/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Ninh Bình có cả đồng bằng, miền núi và ven biển, có đầy đủ điều kiện phát triển nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp. Trong đó, tỉnh có những lợi thế để phát triển du lịch như: Khu du lịch Tràng An - Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, suối nước nóng, rừng Cúc Phương, Cố đô Hoa Lư. Chính vì thế, trong chiến lược phát triển kinh tế thời gian tới, Ninh Bình cần phát huy lợi thế của một vùng đất có nhiều di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để tiếp tục phát triển du lịch và dịch vụ. Du lịch là ngành công nghiệp không khói. Đây là hướng công nghiệp hóa của Ninh Bình".

Với tầm nhìn và gợi mở, định hướng của Tổng Bí thư, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là nâng cao chất lượng lập và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tổ chức các hoạt động du lịch…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; động viên những người dân địa phương nỗ lực, cố gắng hơn nữa để cùng xây dựng Tràng An trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, khai thác tối đa tiềm năng du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái của Ninh Bình.

Lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành động lực, khích lệ tinh thần, khơi dậy ý thức trách nhiệm nhân dân Ninh Bình trong việc cùng chung tay bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, phát triển du lịch.

 Khắc ghi những chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển du lịch nói riêng, năm 2014, tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực bảo vệ thành công Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện tại. Từ khi Tràng An trở thành di sản thế giới đã tạo thế và lực mới cho du lịch Ninh Bình bứt phá. 

Kể từ khi được vinh danh, Tràng An thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. 

Ninh Bình tiếp tục xác định trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP của tỉnh. 

Cùng với đó, Ninh Bình đang từng bước thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục kiên định các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng "Xanh, bền vững và hài hòa"; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch của quốc gia và quốc tế; phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, trọng tâm là "Đô thị Di sản thiên niên kỷ".

Nhờ thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đồng sức đồng lòng, đoàn kết, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng làm tốt công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn. Đặc biệt, sau 10 năm được UNESCO ghi danh, Quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An trở thành một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản, tạo sinh kế bền vững cho cư dân địa phương. Những kết quả này là tiền đề quan trọng để Ninh Bình hướng đến mục tiêu cao hơn, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo trong tương lai.

An Nhiên

 

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?