
Với phương châm quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững, sau 10 năm kể từ thời điểm được ghi danh, Tràng An trở thành mô hình mẫu mực trong việc bảo tồn, phát triển và tôn vinh các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh với hai giá trị nổi bật toàn cầu, đó chính là giá trị văn hóa và thiên nhiên. Đây là hai giá trị cốt lõi, không thể tách rời làm nên tính độc đáo nổi bật và riêng có của nơi đây. Tràng An không chỉ độc đáo về lịch sử hình thành và phát triển, mà còn đặc sắc ở hình thù địa mạo, vừa có các dãy đá vôi với vách dựng đứng, xen lẫn là các vùng trũng ngập nước thường xuyên hay theo mùa, mặt khác, lại là nơi có nhiều hang động. Hiện đã tìm thấy khoảng 50 hang động xuyên thủy với tổng chiều dài khoảng 30km, tạo ra nhiều tiểu vùng có khí hậu khác nhau, các hệ sinh thái hết sức đa dạng và mang những nét đặc trưng riêng. Môi trường thiên nhiên đa dạng và hài hòa giữa sinh vật, núi rừng, hang động, thuỷ vực toát lên cảnh sắc non xanh nước biếc hoà quyện với nhau thành một quần thể thiên nhiên kỳ vĩ hiếm có trên thế giới.
Tràng An trở thành mô hình mẫu mực trong việc bảo tồn, phát triển và tôn vinh các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững. Ảnh: Trường Huy.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, chú trọng tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt khi trong vùng lõi di sản hiện có tới 14.000 người dân sinh sống, là thách thức rất lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ tính nguyên vẹn của di sản. Để có được một hình mẫu về du lịch như Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã triển khai, thực hiện nhiều mô hình sáng tạo trong việc vận dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cùng tham gia bảo vệ, khai thác thế mạnh của di sản thế giới.
Trong đó, hoạt động du lịch, dịch vụ từng bước được tổ chức, quản lý khoa học, theo hướng bền vững; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo đã góp phần tích cực nâng cao hình ảnh, xây dựng thương hiệu, thu hút khách du lịch. Theo thống kê, năm 2023, số lượng khách du lịch đến Quần thể danh thắng Tràng An đạt 4,6 triệu lượt, tăng 83% so với năm 2022 đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đảo Khê Cốc mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: Anh Tuấn
Xu hướng hiện nay, nhiều du khách khi đến Tràng An đều mong muốn tiếp cận với những giá trị địa chất, địa mạo, hang động; di tích khảo cổ… được trải nghiệm những sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn mang tính giáo dục cao.
Đảo Khê Cốc - nơi tái hiện sinh hoạt cộng đồng của cư dân cổ Tràng An, từ khi đưa vào khai thác đã tạo nên những điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn, là địa điểm để quảng bá hình ảnh, các giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan, địa chất, địa mạo và văn hóa của di sản. Bên trong chòi Tộc trưởng còn trưng bày các công cụ lao động, vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng của người tiền sử, được phục dựng gần giống với nguyên bản, dựa theo nghiên cứu khảo cổ của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới…Đến với đảo Khê Cốc, du khách được hòa mình vào không gian sinh sống của cư dân cổ đại, được nghe những câu chuyện lịch sử thú vị về vùng đất Tràng An cổ.
Việc phát triển các sản phẩm du lịch Di sản tại Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách và phát triển kinh tế du lịch, mà quan trọng hơn là thể hiện trách nhiệm trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và lịch sử. Vì thế, mục tiêu mà tỉnh Ninh Bình, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đang hướng tới thực hiện là: Bảo tồn để phát triển; cần có nhiều cách giới thiệu, quảng bá giá trị của di sản để nhiều người nhận biết được thông qua trình chiếu, mô phỏng, tái diễn bằng công nghệ… Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Trong đó, cần đầu tư để đưa các kết quả nghiên cứu khoa học về địa chất , khảo cổ, sử học thành một dạng sản phẩm du lịch để vừa giới thiệu, quảng bá vừa tạo ra những sản phẩm vật chất để bán cho khách du lịch… Cùng với đó là tạo ra các khu vực trải nghiệm riêng như cắm trại, picnic để du khách có thể tận hưởng không khí trong lành và yên bình của vùng đất khảo cổ... Tổ chức các chương trình giáo dục và hướng dẫn để du khách hiểu rõ hơn về di sản khảo cổ và giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Hoa Lư; tạo sự liên kết vùng và kết nối với các di sản khác trong khu vực, giữa các tỉnh và thế giới.
Với những tiềm năng, thế mạnh to lớn đó, kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước thể hiện trong quan điểm chiến lược phát triển du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, bền vững, Ninh Bình tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cả vùng lõi và vùng đệm của di sản. Đặc biệt là bảo tồn di sản gắn với phát triển sinh kế, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương, giảm sức ép lên vùng di sản….theo quy định của Luật Di sản, tạo sự liên kết, cùng nhau bảo vệ, khai thác lợi ích kinh tế từ di sản.
Ninh Bình nói chung, Tràng An nói riêng ngày nay thu hút du khách không chỉ bởi giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo độc đáo, hấp dẫn; mà còn bởi những câu chuyện lịch sử, cũng như cách thích ứng của loài người trước những biến thiên của tạo hóa. Du lịch đã và đang trở thành xu hướng phổ biến, gắn kết các nền văn hóa, vì vậy việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị tiêu biểu của Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, góp phần tôn vinh bản sắc văn hoá địa phương. Để những thế hệ trong tương lai biết tôn trọng quá khứ, yêu thiên nhiên, có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, góp phần phát triển bền vững.
BC
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?