Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Kim Sơn được mùa lúa đặc sản

Thứ tư, 11/11/2020

Thời điểm này, khi các địa phương khác đều đã thu hoạch xong lúa mùa thì hơn 2.500 ha lúa đặc sản ở Kim Sơn mới bắt đầu chín rộ. Nông dân hồ hởi thu hoạch, thương lái đến tận ruộng thu mua.

Kim Sơn được mùa lúa đặc sản

Giám đốc HTX Ân Hòa (Kim Sơn) kiểm tra chất lượng lúa nếp Cau. Ảnh: Minh Đường

Bà Nguyễn Thị Thúy, xóm 9, xã Ân Hòa cho biết: "Trước đây, tôi thường cấy giống Bắc Thơm nhưng giá cả bấp bênh. Hai năm nay, tôi chuyển sang cấy nếp Cau, năng suất cao hơn hẳn, sản phẩm cũng dễ bán hơn, thương lái đến mua lúa tươi tận ruộng, không tốn công phơi sấy, ai cũng phấn khởi".

Ông Lê Văn Tám, cùng xóm với bà Thúy cho biết: "Trồng lúa nếp Cau chúng tôi không lo về đầu ra, ai cũng tích cực canh tác. Năm nay thời tiết thuận lợi, lúa ít sâu bệnh, không bị ngã đổ, bông dài, đẹp, hạt chắc, mẩy. Năng suất dự kiến khoảng 2 tạ lúa tươi/sào. Với giá bán tại ruộng là 9,5 nghìn đồng/kg, 1 sào sau khi trừ chi phí chúng tôi thu lãi 1-1,2 triệu đồng".

Vụ mùa này, xã Ân Hòa gieo cấy khoảng 400 ha lúa, trong đó tỷ lệ lúa đặc sản chiếm tới trên 80%. Giống lúa được người dân địa phương lựa chọn chủ yếu là nếp Cau hay còn gọi là nếp đen. Ông Dương Văn Phái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Ân Hòa cho biết: Nếp Cau gieo cấy ở vùng Kim Sơn có độ thơm dẻo khác so với các địa phương khác. Đặc biệt, nó là giống lúa không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, yêu cầu dinh dưỡng vừa phải, rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng. 

Đây là giống lúa cảm quang, trỗ và cho thu hoạch sau các giống lúa thông thường khoảng 1 tháng, ít chịu ảnh hưởng của mưa bão, ít sâu bệnh, nhiều năm nay cho năng suất khá ổn định. Giá bán loại lúa này cao hơn từ 20 - 30% so với các giống lúa truyền thống, đồng thời thị trường tiêu thụ thuận lợi. Người dân dần thấy được lợi ích thâm canh lúa đặc sản nên mở rộng diện tích sản xuất. Vụ mùa 2020, HTX được Sở Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ giống đạt tiêu chuẩn để đưa vào gieo cấy, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên bà con hết sức phấn khởi.

Khoảng 5 năm gần đây, xu hướng tiêu dùng gạo chất lượng cao tăng mạnh, nhất là các vùng đô thị. Là huyện ven biển, đất đai màu mỡ, nổi tiếng là xứ gạo ngon, Kim Sơn đã kịp thời chớp lấy thời cơ này để mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, đặc sản của địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vụ mùa 2020, toàn huyện gieo cấy hơn 8.000 ha lúa thì có 2.500 ha lúa đặc sản, chủ yếu là các giống: Nếp Cau, nếp cái Hoa vàng, Tám, Dự; tập trung ở các xã: Như Hòa, Ân Hòa, Thượng Kiệm, Hồi Ninh…

Năm nay thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất lúa tươi ước đạt 2-2,1 tạ/sào. Mới đây, nếp Cau Ninh Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, qua đó góp phần khẳng định vị thế, danh tiếng của sản phẩm, nhờ vậy mà việc tiêu thụ trở nên thuận lợi hơn. Hiện, các sản phẩm nếp Cau ở đây có giá bán từ 9,1-9,5 nghìn đồng/kg, nông dân gặt đến đâu, doanh nghiệp thu mua đến đó.

Ông Trần Anh Khiêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Thời gian tới, để nâng cao giá trị của các giống lúa đặc sản của địa phương, trong đó có nếp Cau, Phòng sẽ hỗ trợ đưa nguồn giống thuần chủng đã được phục tráng vào sản xuất, khuyến cáo bà con áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng gạo. Đồng thời thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi, qua đó đảm bảo đầu ra cũng như tăng thu nhập cho nông dân.

Hà Phương (Báo Ninhbinh.org.vn)

 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4325047

Trực tuyến: 45

Hôm nay: 4152

Hôm qua: 7918