Thứ Tư, 17/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Làng nghề gốm Gia Thủy vào Xuân

Thứ bảy, 30/01/2021

Trong không khí se lạnh của những ngày tiết trời chuẩn bị sang Xuân, làng nghề gốm Gia Thủy (huyện Nho Quan) lại tấp nập, nhộn nhịp cảnh sản xuất cũng như mua bán các sản phẩm gốm về trang trí nhà cửa, làm quà tặng nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Hoàn thiện sản phẩm ở làng nghề gốm Gia Thủy, Nho Quan.

Gặp nghệ nhân Đinh Quang Hà khi anh đang miệt mài với những sản phẩm gốm, nhanh chóng hoàn thiện để đưa ra thị trường. Vừa đắp hoa văn lên sản phẩm, anh Hà vừa chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm tạo ra sản phẩm gốm đẹp, chất lượng. Theo anh Hà, để có thể theo nghề đến ngày hôm nay, với mỗi người thợ gốm, chính là bởi sự yêu nghề, niềm đam mê với nghề thủ công truyền thống. Gắn bó với nghề gần 40 năm qua, được công nhận nghệ nhân từ năm 2014, anh Hà cho rằng, mỗi sản phẩm gốm thủ công là câu chuyện, tâm tư, tình cảm của người thợ gốm gửi vào trong đó, nên thường có nét riêng tạo nên đặc trưng sản phẩm. Nhiều thập kỷ qua, những lao động, nghệ nhân gốm Gia Thủy đã tiếp nối và phát huy truyền thống cha ông, say mê, gắn bó với những sản phẩm gốm cổ truyền.

 Trước kia, thời kỳ đầu làm gốm, thường chỉ là những sản phẩm trơn như chum, vại, vò, nồi, niêu, ngói gốm... Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của thị trường trang trí sản phẩm mang tính nghệ thuật, mỗi nghệ nhân gốm dần trở thành họa sĩ, tạo ra hình họa hoa văn trên các sản phẩm như tranh tứ quý, hoa sen, phong cảnh làng quê… Không chỉ học thêm các kỹ thuật đắp hoa văn qua sách, học hỏi qua các làng nghề trong toàn quốc như Bát Tràng, Phù Lãng, các nghệ nhân gốm Mỹ Lộc còn tham gia nhiều hội chợ để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm để các sản phẩm tới tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng cũng như tính mỹ thuật. 

Theo nghệ nhân Đinh Quang Hà, để tạo được sản phẩm sau nung đúng như hình họa, nghệ nhân đã tạo hình trang trí, thì cần nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm nghề. Bởi đất khi đưa vào nung ở nhiệt độ lớn trên 1.200oC, những bông hoa có thể rụng, sản phẩm không đẹp. Từ đó đòi hỏi các nghệ nhân phải có "bí quyết", để các sản phẩm gốm luôn đảm bảo chất lượng, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Những ngày giáp Tết, mỗi nghệ nhân càng có nhiều sáng tạo trong tạo hình, sản xuất được những sản phẩm gốm đa dạng, phù hợp với không khí Tết, đáp ứng nhu cầu và thu hút nhiều khách hàng hơn.

Nghệ nhân Trịnh Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX cổ phần gốm Gia Thủy cho biết: Hợp tác xã cổ phần gốm Gia Thủy hiện có 45 lao động, trong đó có 8 nghệ nhân. Sản phẩm gốm Gia Thủy có nét đặc trưng riêng có, được tạo ra từ chất đất pha trộn 3 màu khác nhau gồm xanh, màu nâu, màu vàng. Khi đất nung trên 1.200oC, cùng với khói của cây củi keo tạo ra màu sành bóng đẹp như màu men. Nguyên liệu làm gốm được khai thác ở chân đồi, chân ruộng cấy trên địa bàn xã Gia Thủy là chủ đạo và một số nguyên liệu khai thác từ xã lân cận như Gia Lâm, Gia Sơn. 

Để có được sản phẩm gốm tinh, chất lượng cao, HTX chú trọng từ khâu làm đất ngâm, lọc chỉ lấy bùn, bỏ cặn, phơi ráo dính và làm cho đất nhuyễn, dẻo mới tạo hình được sản phẩm. Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, rất cần tay nghề có kinh nghiệm của các nghệ nhân. Mỗi công đoạn làm gốm yêu cầu người thợ cần có sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ nặn đất theo mẫu khác nhau. Thông thường để làm ra những chiếc vò, chum, vại, người thợ sẽ nặn đất thành những thớ dài tròn rồi đưa lên bàn xoay ghép lại với nhau được dễ dàng và kín, tránh sản phẩm có lỗ dò. Nhiều năm qua, sản phẩm làng nghề có uy tín với người tiêu dùng về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.

Hiện nay, gốm Gia Thủy khá đa dạng các sản phẩm, với nhiều mặt hàng như chum, vại, ấm, bình, tích và các đồ trang trí ở các khu du lịch…, có dung tích từ 1 lít đến 300 lít. Mỗi sản phẩm gốm hoàn thành được nung và ra lò trong khoảng 95 tiếng. HTX có 2 lò nung, mỗi lò 3 bầu. Sản phẩm của HTX tiêu thụ chủ yếu trong nước. Có một số nước như Lào, Campuchia, Nhật, Hàn Quốc ưa chuộng sản phẩm của làng nghề. Trung bình 1 năm, HTX sản xuất và tiêu thụ từ 3.000 đến 3.500 sản phẩm các loại. Thu nhập trung bình của các thành viên HTX đạt 6,5-7 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo chủ nhiệm HTX gốm Gia Thủy, những năm gần đây, nhu cầu sử dụng sản phẩm gốm tăng cao, nên nghề gốm nhộn nhịp quanh năm, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đấy, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng còn phải đặt trước mới sản xuất. Gốm Gia Thủy khi ra lò được thương lái và người tiêu dùng tìm đến tận nơi mua. Để có đủ lượng hàng từ 1-1,2 nghìn sản phẩm phục vụ Tết, HTX đã chuẩn bị từ đầu tháng 12 dương lịch hàng năm. Vào tháng giáp Tết, tất cả các lò gốm đều đỏ lửa để kịp các đơn hàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

 Đồng chí Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy cho biết: HTX cổ phần gốm Gia Thủy đóng góp khoảng 1/4 tổng thu nhập toàn xã. Để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, Đảng ủy, UBND xã đã tạo điều kiện về nguồn nguyên liệu, hỗ trợ HTX, xã viên HTX vay vốn phát triển sản xuất, mở rộng quy mô phát triển. Bên cạnh đó, xã đang đề nghị Nhà nước hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm làng nghề gốm; xây dựng các công trình, hạng mục về đích nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó tạo điều kiện về đường giao thông đến một số địa điểm tham quan nhằm phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Bài, ảnh: Hồng Vân (baoninhbinh.org.vn)
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4468003

Trực tuyến: 22

Hôm nay: 913

Hôm qua: 8256