Thứ Tư, 17/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Nhà thờ Phát Diệm – nơi hội tụ kiến trúc Đông - Tây

Thứ hai, 11/10/2021

Nhà thờ đá Phát Diệm (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn) được thiết kế độc đáo, thể hiện sự sự giao hòa giữa Phật giáo với Thiên Chúa giáo và cũng là nét kết hợp văn hóa Đông – Tây đậm nét nhất. Quần thể nhà thờ Phát Diệm bao gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ trong đó có một nhà thờ được thiết kế hoàn toàn bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá, 1 phương đình và 3 hang đá nhân tạo.


 
Nhà thờ Phát Diệm được xây dựng từ năm 1875-1899, một quần thể kiến trúc kiểu, gồm: Ao hồ, phương đình, nhà thờ lớn với bốn nhà thờ ở hai bên, ba hang đá nhân tạo và nhà thờ đá. Không gian kiến trúc nhà thờ mang đậm nét văn hoá phương Đông rõ nét theo kiểu “tiền thuỷ, hậu sơn” có nghĩa là phía trước có hồ nước, phía sau có núi đá, quan niệm của người xưa nơi đây tụ phúc, tụ lộc cầu mong cuộc sống của nhân dân an lành, tốt đẹp. 
 
Du khách đến tham quan nhà thờ đầu tiên sẽ bắt gặp ao hồ có hình chữ nhật, ở giữa là một hòn đảo nhỏ trên có đài chúa Giê-Su làm vua. Tiếp đến là Phương đình (Phương đình có nghĩa là nhà vuông), đây là một kiến trúc đồ sộ bằng đá (ngang 24m, cao 25m, dài 17m) mang hình dáng một ngôi đình làng rộng lớn. Phương đình gồm 3 tầng. Tầng dưới lớn nhất được xây dựng bằng đá phiến xanh, thật khâm phục cho những người thợ thủ công địa phương đã ghép những phiến đá nặng hàng nghìn cân, mức độ chính xác rất cao. Các vòm cửa cũng được lắp ghép bằng đá tinh xảo. Giữa phương đình đặt một sập đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu bằng đá được chạm khắc hình ảnh chúa Giê-Su và các vị thánh rất đẹp với những đường nét thanh thoát. Tầng thứ hai của phương đình treo một quả trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông đúc năm 1890, cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần hai tấn. Mái của phương đình có năm vòm, bốn vòm ở bốn góc thấp hơn, vòm cao nhất là vòm ở giữa tầng ba. Mái của Phương đình ở nhà thờ Phát Diệm không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ công giáo phương Tây mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa làng Việt. Hai vách ngoài của Phương đình là những chấn song đá hình cây trúc, trên các vách ngoài của tầng dưới có những phù điêu tạc sự tích chúa Giê-Su từ khi vào thành Giêrusalem đến khi lên trời.
 
 
Tiếp đến du khách sẽ được tham quan nhà thờ lớn, đây là nhà thớ chính được xây dựng năm 1891 (dài 74m, rộng 21m), gồm bốn mái và sáu hàng cột gỗ lim. Hai hàng giữa là 16 cột (cao 11m, chu vi 2,35m) mỗi cột làm toàn thân một cây gỗ lim. Bàn thờ chính là một phiến đá dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m trên ba mặt có chạm khắc hoa lá. Điểm chung trong kiến trúc nhà thờ Phát Diệm giống với nhà thờ ở phương Tây là lòng nhà thờ dài, còn lại được bài trí theo cách truyền thống, gồm 10 gian, có 9 bộ chồng giường. Hệ thống mái được phân thành 2 tầng ngắt quãng bởi cửa sổ đến lấy ánh sáng đồng thời tạo độ vút cho mái. Đây chính là dạng chồng diêm trong kiến trúc chùa Việt. Cuối nhà thờ, chái kiệu có cấu tạo là một khối sâu bằng đá hoa cương, phần xây cuốn vòm tạo thành 5 lối vào nhà thờ, mặt bằng và mặt đứng đều giật cấp với đỉnh cao ở lối chính giữa và thấp dần về hai bên. Phía trên tháp lợp ngói mũi hài, với đầu đao cong lượn thanh thoát, gợi lên sự phối hợp tinh tế của hai lối kiến trúc phương Đông – Gotic (phương Tây). Một điểm nữa cần nhắc tới là những mảng sơn son thếp vàng trên đồ thờ bằng gỗ trong nhà thờ gợi lên một không gian thờ truyền thống của dân tộc Việt.
 
 
Nhà thờ trái tim đức Mẹ, có chiều dài 15,30m, rộng 8,50m, cao 6m. Điều đặc biệt ở đây toàn bộ nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp, bàn thờ đều được làm bằng đá, do đó người dân quen gọi là Nhà thờ đá. Phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong một năm. Ðường nét khắc họa những con vật như sư tử, phượng sống động đến lạ thường. Sau khi tham quan nhà thờ lớn, du khách sẽ thăm các nhà thờ nhỏ hơn, mỗi nhà thờ có một kiểu kiến trúc riêng. Ở tận cuối phía bắc là ba hang đá nhân tạo đẹp mắt, trong đó hang Lộ Đức đẹp nhất. 
 
Có thể nói nhà thờ Phát Diệm một kiến trúc độc đáo Việt Nam, các công trình kiến trúc nguy nga, sự kết hợp hài hoà, tinh tế của lối kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc truyền thống của phương Đông. Chính vì thế, Nhà thờ Đá Phát Diệm đã trở thành một phần không thể thiếu của quần thể du lịch Ninh Bình. Lối kiến trúc mang cả âm hưởng Đông – Tây sẽ tạo ra những khám phá thú vị khi du khách tìm hiểu nơi đây.
 
Một số hình ảnh về kiến trúc Nhà thờ:
 
 
  
 
 
 
Bảo An
 

 
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4467995

Trực tuyến: 22

Hôm nay: 905

Hôm qua: 8256