Thứ Bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Di sản Tràng An - hội tụ và tỏa sáng

Thứ sáu, 28/10/2022

Là Di sản văn hóa và thiên nhiên duy nhất của Việt Nam, Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp diệu kỳ, hùng vĩ của thiên nhiên mà nơi đây còn hội tụ đầy đủ những giá trị về địa chất, thẩm mỹ và lịch sử văn hóa.

              

Cảnh quan Tràng An có vẻ đẹp đặc biệt với từng dãy núi đá vôi hùng vĩ có góc thẳng đứng bao phủ bởi rừng cây uốn lượn, xung quanh là các thung lũng hẹp và những hẻm núi tạo thành một mạng lưới đường thủy kéo dài và vùng đồng bằng ngập nước. Bằng mắt thường, du khách cũng có thể nhận thấy cảnh quan đá vôi dạng tháp và dạng chuông với những vách núi bị cắt ngắn do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu trái đất và những lần biển tiến, biển thoái. Bởi vậy, Tràng An còn được ví như “Hạ Long trên cạn”, một bảo tàng địa chất ngoài trời cùng hệ thống hang động phong phú, độc đáo với 51 hang động cùng nhiều tên gọi gắn với các tích truyện như Hang Sinh Dược, Hang Địa Linh, Hang Ba Giọt, Hang Nấu Rượu, Hang Quy Hậu… Tràng An hiện là danh thắng có nhiều hang động xuyên thủy nhất Việt Nam. Cùng với hệ thống hang động là hơn 30 thung ngập nước. Mỗi thung là một bức tranh thủy mặc khác nhau, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, hữu tình. 

Môi trường thiên nhiên nơi đây rất đa dạng và hài hòa. Giữa phong cảnh núi non sông nước, rừng rậm bao phủ còn nhiều hoang sơ là nơi sinh sống của nhiều loài chim muông và các loài thú quý hiếm. Trong đó, vườn chim Thung Nham với hệ sinh thái rừng ngập nước tự nhiên độc đáo của vùng đồng bằng Bắc bộ là nơi trú ngụ của gần 50 loài chim, trong đó có một số loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như Giang Sen, Cốc Đế nhỏ…hiện đang là điểm thu hút khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm. 

Không chỉ vậy, Tràng An xưa kia là cùng đệm Kinh đô Hoa Lư của Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của Việt Nam, nơi còn lưu lại rất nhiều dấu ấn của Triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và Lý. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Khi đó, kinh đô Hoa Lư gồm 3 vòng thành liền nhau: Thành Đông, thành Tây và thành Nam. Thành Đông nằm ở phía Đông, giáp với vùng đồng bằng, là nơi bố trí cung điện nên được gọi là thành ngoại; thành Tây nằm ở bên trong giáp với vùng núi non, là nơi ở của quan lại và khu vực hậu cần nên còn được gọi là thành nội. Thành Nam rộng hơn, là vùng núi cao hiểm trở để phòng thủ, che chở kinh thành hiện được gọi là Tràng An. 

Hiện tại, tuy kinh thành Hoa Lư xưa không còn nhưng sự hiện hữu của hàng trăm di tích lịch sử văn hóa gắn liền với ba triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý, những dấu tích của thành Đông, thành Bắc, thành Nam vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn tạo nên một không gian văn hóa Hoa Lư huyền thoại. Các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng này nằm trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi, đồng điệu cùng với thiên nhiên và có kiến trúc độc đáo mang đặc trưng vùng miền được xây dựng ở những thời điểm khác nhau điểm xuyết trên dải đất Cố đô. Có thể kể đến một số di tích lịch sử văn hóa nổi bật như Đền Thái Vi, Đền Vua Đinh, Đền Vua Lê, Chùa Bích Động. Đặc biệt là khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính với kiến trúc hoành tráng, đồ sộ, đậm chất Á Đông. Đây cũng là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á và giữ nhiều kỷ lục Việt Nam, là điểm nhấn tạo sắc màu tâm linh độc đáo trong hành trình khám phá Tràng An.

Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể là những di sản văn hóa phi vật thể cùng song song tồn tại, hiện hữu trong cuộc sống của người dân nơi đây, trở thành một phần hồn của nền văn hóa dân tộc Việt. Tiêu biểu như Lễ hội Cố đô Hoa Lư với tích cờ lau tập trận, lễ rước nước tưởng nhớ vị anh hùng Đinh Bộ Lĩnh; Lễ hội đền Thái Vi tưởng nhớ các vị vua Trần, Lễ hội Thánh Quý Minh Đại Vương được tổ chức hàng năm trên chính vùng sông nước Tràng An với các tín ngưỡng thờ thần núi, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với các địa danh của vùng đất nhiều huyền tích, huyền thoại. 

Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích và phạm vi đủ rộng để chứa đựng, hội tụ đầy đủ các giá trị đặc biệt nổi bật về tự nhiên và văn hóa. Con người ở vùng đất này đã có ý thức bảo tồn những di sản được thiên nhiên và lịch sử ban tặng một cách tự nguyện và hiệu quả trong cả một quá trình cùng với chiều dài của lịch sử dân tộc để đến ngày nay, các giá trị di sản nơi đây vẫn giữ được tính toàn vẹn và chân xác, là cơ sở ban đầu nhưng vô cùng vững chắc cho một tương lai phát triển, tỏa sáng của Quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới độc đáo này.

Huy Hoàng
     

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4493089

Trực tuyến: 66

Hôm nay: 1974

Hôm qua: 8821