Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ "về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025" (Báo cáo số 91/BC-BTTTT ngày 30/6/2022), tính đến ngày 28/6/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3% (chiếm 53,56% tổng số thủ tục hành chính).
Ảnh minh họa
Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, điều hành: Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số; rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh nghiên cứu giải pháp đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt: Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Thứ hai, về xây dựng, hoàn thiện thể chế: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07/3/2022, thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành để cho ý kiến vào dự thảo Nghị định nêu trên. Hiện, Bộ Công an đang tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Ban Cán sự đảng Chính phủ.
Về dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (sau khi Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định) và đang tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh trước khi trình Chính phủ ban hành.
Thứ ba, về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử: tính đến ngày 21/6/2022, tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform - NDXP) trong tháng 6/2022 là 58.747.799, tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ tháng 6/2021; tổng số giao dịch trong Quý II năm 2022 là 178.595.174; tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia từ khi khai trương đến nay là 531.886.220; trong tháng 6, trung bình hằng ngày có khoảng 2,7 triệu giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Bộ Công an đã vận hành chính thức Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021. Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Ngày 08/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06.
Đối với Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm: Để đảm bảo tiến độ triển khai Đề án 06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân đân để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang Cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội. Tính đến ngày 20/6/2022, hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của trên 45 triệu người tham gia, toàn quốc đã có 6.244 cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp; Bảo hiểm xã hội đã có các văn bản gửi Bộ, ngành, địa phương đề nghị phối hợp kê khai mã số bảo hiểm xã hội, số định danh cá nhân/căn cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Tài nguyên và Môi trường; phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối và chia sẻ dữ liệu chứng thực từ bản sao điện tử và các dữ liệu dịch vụ công liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm theo quy định hiện hành, đồng thời triển khai thí điểm chứng thực thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp cung cấp các dịch vụ công.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích hợp, cung cấp 07 dịch vụ công dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID; tính đến ngày 20/6/2022, trên toàn quốc đã có trên 26 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan Bảo hiểm xã hội (tài khoản sử dụng trên Cổng Dịch vụ công và ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam), 1.160.437 lượt kiểm tra thẻ Bảo hiểm y tế được kiểm tra trên cổng tiếp nhận dữ liệu giám định Bảo hiểm y tế qua ứng dụng VssID.
Đối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc: tính đến ngày 23/6/2022, hệ thống đã có 28.384.553 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 7.385.979 trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; 6.308.226 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.113.191 dữ liệu đăng ký khai tử và 7.251.136 dữ liệu khác.
Thứ tư, về xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trục liên thông văn bản quốc gia: Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng 6/2022 là 367.848 văn bản (gửi: 80.101 văn bản, nhận: 287.747 văn bản). Trong 6 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 01/01 đến ngày 20/6/2022), số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục là hơn 3,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay, có tổng số hơn 12,3 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia;
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Trong tháng đã phục vụ 01 phiên họp Chính phủ và xử lý 33 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 7 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hệ thống đã phục vụ 09 phiên họp Chính phủ và xử lý 180 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 64 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Tính đến nay, Hệ thống đã phục vụ 54 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.191 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 425 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Hệ thống đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có chức năng báo cáo của 74 bộ, cơ quan, địa phương; đã cung cấp thông tin, dữ liệu của 15/151 chế độ báo cáo trên Hệ thống; 152/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 04/12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 Quốc hội giao Chính phủ được cung cấp trên Hệ thống; kết nối 37 chỉ tiêu thông tin dữ liệu trực tuyến; xây dựng kho dữ liệu tổng hợp với hơn 300 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; 250 bảng hiển thị dữ liệu cho các chỉ tiêu. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, chuyên gia xây dựng và hiển thị 16 nhóm chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo điều hành hằng ngày, hằng tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai kết nối, tích hợp các thông tin dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin của các bộ, cơ quan, địa phương với Trung tâm.
Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp: tính đến ngày 28/6/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3% (chiếm 53,56% tổng số thủ tục hành chính).
Từ ngày 20/5/2022 đến ngày 20/6/2022, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có hơn 260 nghìn tài khoản đăng ký; trên 5,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 500 nghìn lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 200 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 111 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 369 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 674 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 101 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 30,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,3 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 457 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 1.341 tỷ đồng.
Từ khi khai trương (11/2019) đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.657 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; hơn 2 triệu tài khoản đăng ký; đã có hơn 473 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 120 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 3,9 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 978 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2 nghìn tỷ đồng; hơn 167 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
Thứ năm, về việc xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân. Trong tháng 6/2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.178 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 39,08% so với tháng 5/2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 35,14% so với 6 tháng trước, tăng 37,92% so với 6 tháng đầu năm 2021./. Theo Bộ Nội vụ.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?