Thứ Năm, 28/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Nhận biết các loại nhựa

Thứ tư, 21/09/2022

Nhựa được dùng làm vật liệu sản xuất nhiều loại vật dụng góp phần quan trọng vào phục vụ đời sống con người cũng như phục vụ cho sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng sản phẩm nhựa chưa đúng cách đang gây ra những hệ luỵ cho môi trường và sức khoẻ con người và cả hệ sinh thái.

Thông thường các sản phẩm nhựa sẽ được phân biệt với một mã số nhất định để nhận biết (Mã SPI), nhưng trong một số trường hợp nhựa không được đánh dấu tên loại nhựa trên sản phẩm làm cho người dùng khó có thể phân biệt được chúng. Vậy cần căn cứ vào đâu để phân biệt các loại nhựa?

Thông thường các sản phẩm nhựa sẽ được phân biệt với một mã số nhất định để nhận biết. Ở bên dưới hoặc trên bền mặt của hầu hết sản phẩm nhựa có in một số nhỏ bên trong biểu tượng tái chế hình tam giác ba mũi tên. Con số này giúp người sử dụng có thể dễ dàng nhận biết được sản phẩm được làm bằng loại nhựa gì. Mỗi loại nhựa được cấu tạo từ một phân tử hoặc tập hợp các phân tử khác nhau. Các phân tử khác nhau không trộn lẫn khi nhựa được tái chế. Vì lý do này mà các loại nhựa khác nhau cần được phân loại riêng. Số tái chế là một cách thống nhất để phân loại các loại nhựa khác nhau và nó hỗ trợ các nhà tái chế trong quá trình phân loại.

Ký hiệu này được gọi là mã nhận diện nhựa (Resin Identification code-RIC) do tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ASTM ban hành. Tương ứng sẽ có những con số từ 1-7 hiển thị trong tam giác và mỗi con số lại biểu thị cho một ý nghĩa khác nhau. 

Số 1 là Polyethylene Terephthalate (PETE hoặc PET): Ứng dụng: PET là một trong những loại nhựa được sử dụng phổ biến nhất trong các sản phẩm tiêu dùng và được tìm thấy trong hầu hết các loại chai nước, chai lọ và một số bao bì. Mức độ an toàn: Chai nhựa PET được xem là an toàn đối với thực phẩm và đồ uống, các nhà khoa học khuyến cáo chỉ nên sử dụng chai PET một lần việc tái sử dụng nhiều lần chưa qua xử lý có thể gây ra hiện tượng nhiễm vi khuẩn và giải phóng các chất độc có thể gây ung thư( antimony và phthalates). Khả năng tái chế: PET là vật liệu có thể tái chế hoàn toàn từ chai thành chai (bottle-to-bottle). Vòng đời sản phẩm chai nhựa PET theo công nghệ tái chế bottle to bottle. Các sản phẩm thường được làm từ PET tái chế bao gồm chai và lọ PET mới, thảm, quần áo, dây đai công nghiệp, dây thừng, phụ tùng ô tô, chất làm đầy cho áo khoác và vật liệu xây dựng và bao bì bảo vệ.

Số 2 là Polyethylene mật độ cao (HDPE): Ứng dụng: HDPE được làm từ dầu mỏ đôi khi được gọi là "alkathene” hoặc "polythene”. Là loại nhựa có mật độ cao, HDPE được sử dụng trong sản xuất chai nhựa, đường ống dẫn nước, băng tải, bao bì mỹ phẩm, hóa chất, các dụng cụ ngoài trời ….. Mức độ an toàn: HDPE mật độ cao có khả năng chống mài rất tốt. Sản phẩm HDPE chịu được cả nhiệt độ thấp và nhiệt độ cao nên có thể sử dụng trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Chúng có thể chịu được nhiều loại hóa chất mạnh. Là một trong những loại nhựa an toàn nhất đối với người sử dụng. Khả năng tái chế: HDPE gần như không phân hủy và tạo ra các chất nguy hiểm đối với môi trường tự nhiên, Chúng có thể được tái chế hoàn toàn và sử dụng như nhựa nguyên sinh.

Số 3 là Polyvinyl clorua (PVC): Ứng dụng: PVC là polyme nhựa tổng hợp được sản xuất rộng rãi thứ ba trên thế giới, sau polyetylen và polypropylen. Dạng cứng của PVC được sử dụng trong xây dựng đường ống và trong các ứng như cửa ra vào và cửa sổ, sản xuất chai lọ, bao bì phi thực phẩm và Các loại thẻ như thẻ từ, thẻ ngân hàng. Mức độ an toàn: PVC có chứa các chất phụ gia hóa học nguy hiểm bao gồm phthalates, chì, cadmium và / hoặc organotins, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các chất phụ gia độc hại này có thể thoát ra ngoài hoặc bay hơi vào không khí theo thời gian, gây ra những nguy hiểm cho người sử dụng đặc biệt đối với trẻ em. Khả năng tái chế: PVC gần như không thể tái chế được. Do đó, cần hạn chế sử dụng PVC ở mức ít nhất có thể.

Số 4 là Polyethylene mật độ thấp (LDPE): Ứng dụng: LDPE được sử dụng rộng rãi để sản xuất các thùng chứa khác nhau, chai pha chế, chai đựng hóa mỹ phẩm, ống hút, túi nhựa. Phổ biến nhất là sử dụng làm túi nhựa. Mức độ an toàn: LDPE có khả năng kháng hóa chất, ít bị nhiễm khuẩn và không bị rò rỉ độc tố có hại khi được sử dụng để bảo quản thực phẩm ở nhiều nhiệt độ khác nhau. Tuy nhiên, nó không được coi là an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm ở sau khi tái chế. Khả năng tái chế: LDPE có thể tái chế nhưng không phải hoàn toàn, các chai nhựa cứng có thể tái chế thành các vật dụng khác, trái lại các túi bóng (Bịch bóng), màng bọc thực phẩm thường không được thu gom và tái chế. Do đó hãy tái sử dụng LDPE tối thiểu một vài lần trước khi vứt bỏ.

Số 5 là Polypropylene (PP): Ứng dụng: PP là vật liệu chắc chắn về mặt cơ học và có khả năng kháng hóa chất cao. Polypropylene là loại nhựa hàng hóa được sản xuất rộng rãi thứ hai (sau polyethylene) và nó thường được sử dụng trong ngày công nghiệp bao bì và in ấn. Mức độ an toàn: Nhựa PP có tính dẻo, dai, khả năng chịu nhiệt cao và không thể khử các chất hóa học. Do đó chúng hay được sử dụng để đựng các đồ ăn nóng. Thậm chí, nhựa PP còn dùng để chế tạo tã lót dùng một lần, áo choàng giữ nhiệt, phụ tùng xe hơi như cản gió, thảm xe. Đây là loại nhựa an toàn cho thực phẩm và đồ uống, có thể tái sử dụng nhiều lần. Khả năng tái chế: Nhựa PP có có thể tái chế được tuy nhiên ngày nay chỉ có 1% lượng PP sản xuất ra được tái chế, do chi phí tái PP khá cao và ứng dụng của chúng thường là các vật dụng nhỏ và kết hợp với các vật liệu khác như nắp chai, bàn chải đánh răng, dao cạo râu gây ra khó khăn trong quá trình thu gom và phân loại.

Số 6 là Polystyrene (PS): Ứng dụng: Ps thường được sử dụng để chế tạo các bao bì xốp bảo vệ sản phẩm, nắp đậy, chai, khay, hộp đựng cơm, dao kéo dùng một lần. Mức độ an toàn: Polystyrene được tạo thành từ nhiều đơn vị styrene. Styrene được International Agency for Research on Cancer cho là chất gây ung thư. Tiếp xúc với styrene có thể gây kích ứng da, mắt, hệ hô hấp và đường tiêu hóa. Phơi nhiễm mãn tính dẫn đến các tác động nghiêm trọng bao gồm trầm cảm, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược, mất thính giác và chức năng thận bị gián đoạn. Việc sản xuất polystyren yêu cầu sử dụng các hydrocacbon như styrene và benzen. Các chất này này được thải vào không khí và phản ứng với dioxide ni-tơ(NO₂) để tạo ra ozon trên mặt đất (còn gọi là ozon tầng đối lưu hay ozone xấu), một chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm. Ozone ở tầng mặt đất có thể làm suy giảm chức năng phổi và dẫn đến bệnh đường hô hấp. Khả năng tái chế: PS gần như không thể tái chế được do khó thu gom và chi phí tái chế cao. PS không bị phân hủy và thường được đốt để xử lý. Tuy nhiên, đốt polystyrene giải phóng khí styrene vào không khí và tạo ra một hỗn hợp các chất độc hại có thể làm suy yếu hệ thần kinh.

Số 7 là Nhựa khác (Other): Nhựa khác là loại nhựa khác với 6 loại trên. Loại nhựa này thường có ở các bình đựng nước có dung tích lớn, các can lớn, bình sữa cho trẻ và đặc biệt nó được dùng để sản xuất trong công nghiệp như kính mắt, vỏ điện thoại, DVD… Loại nhựa số 7 là loại nhựa nguy hiểm nhất, dễ dàng sinh ra bisphenol-A (BPA) chất có thể gây ra ung thư và vô sinh, rất nguy hại tới sức khỏe. Bởi vậy, tuyệt đối không nên tái chế, sử dụng lại loại nhựa này.

Thanh Hà
 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4319428

Trực tuyến: 112

Hôm nay: 6451

Hôm qua: 8017