Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Sơ kết chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022

Thứ ba, 09/08/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Tại phiên họp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo sơ kết chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm tới các thành viên Ủy ban, các ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương.

Trong phiên họp này, báo cáo sơ kết chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết và gửi đến phiên họp với bốn nội dung chính gồm: nhìn nhận tình hình thực hiện mục tiêu đặt ra năm 2022, sơ kết công tác chuyển đổi số trong 10 nội dung cụ thể, khó khăn vướng mắc cũng như kiến nghị đề xuất.

Đối với các mục tiêu ra năm 2022, đã có 3 chỉ tiêu đạt và vượt mức đề ra năm 2022 là tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử và tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ. Đây là một tín hiệu tốt khi các chỉ tiêu chuyển đổi số hướng tới người dân và doanh nghiệp đã có hiệu quả sớm theo đúng định hướng mà Thủ tướng chính phủ đã định hướng cho năm 2022, đây cũng là các chỉ tiêu quan trọng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó vẫn nhiều chỉ tiêu khác cần gấp rút thúc đẩy để hoàn thiện kế hoạch cuối năm nay.

Zalo

Đối với sơ kết công tác chuyển đổi số năm 2022, báo cáo đã tổng kết và đưa ra các nội dung tập trung hướng tới người dân doanh nghiệp và đặc biệt là ưu tiên về mặt nhận thức. Nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương cũng đã bước đầu đạt kết quả tích cực, đã có 41/63 tỉnh, thành phố triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia. Từ chuyển đổi nhận thức dẫn đến hành động mạnh mẽ hơn, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của toàn bộ 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động. Nền móng phát triển chuyển đổi số như hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, phát triển nền tảng số, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến, an toàn thông tin cũng đã được chú trọng. Cụ thể như:

- Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định tăng 32,7%, mạng di động tăng 4,7% so với cùng kỳ, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc.

 

Zalo

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp Nhà nước và 14 địa phương tiếp tục làm giàu dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, rút tiền tại các cây ATM...

- Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ); hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ).

- Ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 37,92% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 35,14% so với đầu năm 2022.

Đây chỉ là điểm qua những điểm sáng trong phát triển nền móng vững chắc thúc đẩy chuyển đổi số đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Kinh tế số, xã hội số cũng đã ghi nhận các số liệu phát triển tích cực, cụ thể như tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%. Tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỉ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân quyết liệt thực hiện chuyển đổi số thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Cơ bản thống nhất với những đánh giá về kết quả đạt được nhưng Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế chưa đạt được. Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số quan điểm định hướng lớn như:

- Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát huy tối đa sức mạnh truyền thống văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam.

- Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, thách thức thì càng phải đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc cũng là quan điểm xuyên suốt. Tránh mọi tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia, tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho nhân dân.

- Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; tổng kết, kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý, bài học hay, cách làm sáng tạo; chỉ rõ, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực chuyển đổi số và người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây.

- Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số. trong đó có hợp tác công tư; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Việc chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”; đi nhanh nhưng chắc chắn, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn và cần được thực hiện một cách thực chất để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không cầu toàn, không nóng vội.

- Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, "không đánh trống bỏ dùi". Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít (mới gần 18%), hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp.

- Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, hướng dẫn, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng tiếp tục giao trọng trách cho bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp việc triển khai các nhiệm vụ, thường xuyên đôn đốc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng cường kiểm tra, giám sát, đo lường việc thực hiện các nhiệm vụ có định tính, định lượng, trong đó nhiệm vụ định lượng phải cân đong đo đếm được, phải luôn cập nhật kịp thời tiến độ, kết quả thực hiện trên nền tảng số. Thủ tướng cũng đồng thời nhắc nhở giao trọng trách đến từng đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, cần nỗ lực hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số với các nhiệm vụ cụ thể cần hoàn thành và kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ thông tin nói riêng để chuyển đổi số Việt Nam sẽ từng bước thành công và vươn mình ra thế giới./.

TH

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?