Sáng 8/8, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp thứ ba, được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; đồng chí Tống Quang Thìn, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông và các ý kiến tại phiên họp đã tập trung phân tích, đánh giá về tình hình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022. Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tương đối rõ ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu. Từ chuyển đổi nhận thức dẫn đến hành động mạnh mẽ hơn, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của 22 bộ, ngành và 63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động.
Việc chuyển đổi các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu rất đáng trân trọng; nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ Trung ương đến địa phương. Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp Nhà nước và 14 địa phương tiếp tục làm giàu dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội. Nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương cũng đã bước đầu đạt kết quả tích cực, đã có 41/63 tỉnh, thành phố triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia.
Đối với Ninh Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, quan điểm rõ ràng, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành. Với quan điểm “Đầu tư ít, hiệu quả cao”, các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị và sớm hoàn thành việc kết nối theo yêu cầu với các hệ thống của quốc gia. Các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, vào cuộc quyết liệt, qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã công bố chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI năm 2021 của các bộ, ngành, địa phương. Theo kết quả đánh giá, thành phố Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng ở cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh Ninh Bình từ vị trí thứ 8 năm 2020 đã vươn lên thứ 5 trên bảng xếp hạng. Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu bảng xếp hạng DTI 2021 ở khối cấp bộ./.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?