Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn xã Khánh Thịnh (Yên Mô)

Thứ hai, 14/02/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Là 1 trong 6 xã, thị trấn của huyện Yên Mô được chọn làm điểm nhân rộng mô hình chuyển đổi số, xã Khánh Thịnh đã tích cực thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đưa sản phẩm đặc trưng của xã lên sàn giao dịch điện tử... Kết quả bước đầu sau 1 năm triển khai, Khánh Thịnh đã cơ bản số hóa trên các lĩnh vực xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Đến nay, xã Khánh Thịnh đã có trên 1.700/4.500 nhân khẩu tham gia cài App Công dân số. 


Hướng dẫn người dân cài đặt App Công dân số tại xã Khánh Thịnh

Ông Hoàng Văn Trình, xóm 1, xã Khánh Thịnh cho biết: App Công dân số rất tiện ích cho người dân. Sau khi cài đặt, chúng tôi thực hiện nhiều giao dịch trên môi trường điện tử như thực hiện các thủ tục hành chính, tìm hiểu pháp luật, trao đổi thông tin với lãnh đạo xã... Nhờ đó cuộc sống người dân nông thôn từng bước văn minh, hiện đại. Áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng xã hội số làm thay đổi nếp nghĩ, đời sống nhân dân trên địa bàn xã. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ thông minh, tiện ích, như tư vấn khám, chữa bệnh qua hình thức trực tuyến; dạy và học online; sổ liên lạc điện tử; phát thanh thông minh trên công nghệ trí tuệ nhân tạo... 

Đồng chí Dương Thị Mây, Bí thư Đoàn xã kiêm công chức văn hóa, thực hiện nội dung phát thanh xã cho biết: Từ khi được áp dụng trí tuệ nhân tạo vào thực hiện các chương trình phát thanh đã giảm tải rất nhiều về nhân  lực trong thực hiện biên tập và thực hiện đọc các chương trình phát thanh của xã. Xã đã áp dụng công nghệ giọng nói nhân tạo để chuyển đổi văn bản sang giọng nói. Việc phát thanh qua công nghệ giọng nói nhân tạo là giọng chuẩn nên dễ dàng chuyển tải những thông tin cần thiết của UBND xã đến toàn thể nhân dân. 

Đồng chí Trần Đức Thái, Chủ tịch UBND xã Khánh Thịnh cho biết: Xác định việc chuyển đổi số có ý nghĩa lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn triển khai từng bước, có so sánh kết quả thực hiện với các xã trên địa bàn.

Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số  của xã, phân công nhiệm vụ cụ thể. Thường xuyên lồng ghép, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn xã thông qua các hội nghị giao ban từ xã xuống thôn, xóm. Công tác tuyên truyền trực quan, thông qua hệ thống truyền thanh 3 cấp về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số được thực hiện thường xuyên, liên tục... 

Xã đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho công tác chuyển đổi số; rà soát lại toàn bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện có của xã để xây dựng kế hoạch đầu tư. Đồng thời trang bị hệ thống máy tính có cấu hình phù hợp, đáp ứng được nhiệm vụ của công chức và vị trí việc làm; trang bị máy in màu, máy scan tốc độ cao  để phục vụ việc giao dịch và mã hóa hồ sơ trên hệ thống điện tử; trang bị phòng họp trực tuyến; máy chiếu; hệ thống truyền thanh thông minh; lắp hệ thống camera 32 mắt trên địa bàn xã theo dõi hoạt động tại các điểm đường ra vào xã... 

Song song với đó, xã quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, theo yêu cầu của địa phương. Qua 1 năm triển khai, bước đầu cho thấy, việc chuyển đổi số ở xã Khánh Thịnh đã đạt được kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực, gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức xã đều được trang bị máy tính có kết nối internet, mạng cục bộ (LAN - Local Area Network), đảm bảo cho hoạt động quản lý, điều hành. 100%, cán bộ, công chức được cấp chứng thư số chuyên dùng của Ban cơ yếu Chính phủ và được cấp hộp thư điện tử công vụ. 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình. 

Trong năm 2021, số hồ sơ tiếp nhận qua cổng dịch vụ công trực tuyến là 165/744, đạt tỷ lệ 22%. Có trên 90% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số Vpostcode. Việc xây dựng xã hội số cơ bản hoàn thành, các trường học trên địa bàn đã phối hợp với đơn vị cung ứng sử dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý dạy và học như: Phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm sổ liên lạc điện tử. Các trường trên địa bàn xã đều có kênh giao tiếp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, như trang thông tin điện tử của trường, trang facebook của trường, có nhóm facebook, zalo để trao đổi công việc, tình hình học tập với phụ huynh học sinh... 

Hiện có trên 30% người dân trên địa bàn xã tiếp cận, sử dụng các nền tảng dịch vụ, như tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa trong cộng đồng; cài đặt được 1.700 app cho người dân có điện thoại thông minh; khoảng 30% người dân trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử và được tuyên truyền, tiếp cận với các dịch vụ chính quyền số... Đồng thời, xã Khánh Thịnh cũng hướng dẫn, hỗ trợ 50 hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. 

Đến nay, đã phối hợp đưa một sản phẩm đặc trưng là ngó khoai môn ngọt Thái Lan của địa phương lên sàn Thương mại điện tử postmart.vn, trang thông tin điện tử của huyện, xã... 

TTBCXB

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?