Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Đẩy mạnh hoạt động hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến

Thứ sáu, 11/03/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thời gian qua, việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào triển khai hội nghị truyền hình trực tuyến liên thông 4 cấp từ xã, huyện, tỉnh, Trung ương là một trong những giải pháp hữu hiệu trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp nhanh, gọn, giảm thời gian và tiết kiệm kinh phí tổ chức hội nghị.


Phòng họp hội nghị trực tuyến huyện Yên Mô.

Ông Trần Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Me (huyện Gia Viễn) cho biết: Năm 2022 là năm thứ 4 thị trấn Me sử dụng phòng họp trực tuyến, đem lại hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19. 

Việc truyền đạt qua hội nghị truyền hình trực tuyến rất rõ ràng, chi tiết. Do đó, các kỳ họp trực tuyến thời gian qua từ cấp Trung ương, tỉnh, cấp huyện đều được địa phương tổ chức hội nghị tại hội trường UBND thị trấn, giúp cán bộ, đảng viên, công chức học tập, hội họp rất hiệu quả.

Phòng họp hội nghị trực tuyến huyện Nho Quan

Phòng họp hội nghị trực tuyến thành phố Tam Điệp

Với hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Bên cạnh đầu tư của các cấp về đường truyền kỹ thuật và kết nối, thị trấn đầu tư màn hình rộng, bàn ghế, công tác phục vụ đảm bảo chất lượng cho hội nghị diễn ra theo đúng quy định. 

Hàng năm, thị trấn tổ chức triển khai các hội nghị truyền hình trực tuyến theo sự chỉ đạo của các cấp đảm bảo an toàn, hiệu quả cao, được cán bộ, công chức, đảng viên đồng tình hưởng ứng.

Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh đã luôn đảm bảo cung cấp dịch vụ kỹ thuật, hạ tầng viễn thông tốt nhất để phục vụ các hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong hoạt động điều hành hành chính và các hội nghị qua môi trường điện tử. 

Nguyễn Văn Thụ, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, VNPT Ninh Bình cho biết: Ngay từ đầu triển khai các hệ thống phục vụ cho cơ quan chính quyền, VNPT Ninh Bình đã tham gia triển khai kịp thời, hiệu quả, phục vụ các cuộc họp diễn ra an toàn, thông suốt. 

Đến giai đoạn hiện nay, số cuộc họp trực tuyến diễn ra thường xuyên hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để đảm bảo an toàn của hệ thống trong chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, VNPT đã bố trí đội ngũ kỹ sư, đảm bảo đường truyền và tính dự phòng tình huống, sẵn sàng các thiết bị để phục vụ cho cuộc họp truyền hình trực tuyến không bị gián đoạn.

Ngoài ra, VNPT tham gia triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh, qua đó hội nghị truyền hình trực tuyến được truyền trên mạng chuyên dùng cấp II, đảm bảo an toàn thông tin, an toàn hệ thống. 

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Để hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến hoạt động ổn định, thống nhất, phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, Sở Thông tin truyền thông phối hợp với các đơn vị bố trí phòng họp trực tuyến đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu; bố trí lắp đặt các thiết bị đảm bảo thích ứng với cơ sở hạ tầng hiện có của tỉnh kết nối thông suốt 4 cấp để các thành viên dự hội nghị tiếp nhận rõ ràng về âm thanh, thông tin từ hội nghị. 

Các đơn vị cung cấp dịch vụ đường truyền như Viettel, VNPT xây dựng hệ thống đường truyền theo phân cấp quản lý; bố trí kỹ sư công nghệ thông tin bám sát theo địa bàn luôn sẵn sàng xử lý trục trặc kỹ thuật và hỗ trợ các điểm cầu vận hành kỹ thuật đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục, an toàn, chất lượng trong mọi tình huống. 

Hiện toàn tỉnh đã đấu nối cho 100% điểm cầu cấp xã, cấp tỉnh; kết nối từ MCU của tỉnh lên Cục Bưu điện Trung ương qua mạng TSLCD; kết hợp với Cục Bưu điện Trung ương triển khai hệ thống giám sát, đánh giá chất lượng để đảm bảo chất lượng băng thông, đường truyền cho hệ thống. 

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến hiện đã và đang hoạt động ổn định, chất lượng tốt, phát huy hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở. 

Trong năm 2021, hệ thống đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đã phục vụ 35 hội nghị (10 hội nghị của Trung ương đến cấp xã, 5 hội nghị của tỉnh và 20 hội nghị của các huyện/thành phố, ước tính tiết kiệm thời gian, công tác tổ chức, chi phí đi lại, ăn nghỉ của các đại biểu khoảng 7 tỷ đồng (mỗi hội nghị 200 triệu đồng); đã triển khai liên thông, tương tác đến 143 điểm cầu cấp xã, 16 điểm cầu cấp huyện và 3 điểm cầu cấp tỉnh với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. 

Việc triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đồng bộ trong toàn tỉnh là hướng đi đúng trong lộ trình ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử và nền hành chính hiện đại.

Minh Trang

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?