Thứ Ba, 16/07/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công ở huyện Yên Mô

Thứ ba, 14/06/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Với phương châm: lấy con người là trung tâm, công nghệ sẽ hỗ trợ, thúc đẩy, huyện Yên Mô đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ hành chính công, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng dẫn dắt toàn bộ quá trình chuyển đổi số.

Đầu năm 2021, xã Yên Đồng là một trong 6 địa phương của huyện Yên Mô được chọn làm điểm về chuyển đổi số. Xã đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban.

Công dân thực hiện giao dịch thuận lợi tại bộ phận "một cửa" xã Yên Đồng, huyện Yên Mô. 

Ông Lê Sỹ Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đồng, huyện Yên Mô cho biết: Địa phương cũng xác định rõ công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đây là công việc mới và khó nên phương châm của xã khi triển khai thực hiện là thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó. Sau khi thành lập, Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, nòng cốt là bộ phận "1 cửa", công chức Văn hóa thông tin, công chức Tư pháp hộ tịch, công chức Văn phòng rất am hiểu về công nghệ thông tin.

Ngoài chuyên môn nghiệp vụ, công chức bộ phận "một cửa" xã Yên Đồng còn sẵn sàng hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính hiệu quả.

Bộ phận "1 cửa" của xã được kiện toàn. Trong đó, nhân sự là yếu tố được đặc biệt quan tâm tuyển chọn và bồi dưỡng. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ, họ còn có khả năng sử dụng công nghệ, sẵn sàng hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả. Về Hạ tầng công nghệ thông tin, địa phương đã tranh thủ nguồn tài chính hỗ trợ từ chương trình chuyển đổi số của tỉnh, phối hợp với đơn vị cung ứng rà soát, nâng cấp hệ thống máy tính, cấu hình lại hệ thống mạng internet, mua mới 2 máy scan, 6 máy tính. Trong đó, có 1 máy tính đặt tại bộ phận một cửa dành riêng phục vụ nhân dân đến tra cứu và làm thủ tục hành chính trực tuyến. 

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có tâm lý muốn thực hiện các thủ tục hành chính bằng cách làm trực tiếp hồ sơ giấy. Trước thực trạng đó, một mặt, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về tiện ích, cách thức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng, một mặt xã quán triệt đến các cán bộ chuyên môn tiến hành song song: vừa giải quyết thủ tục hành chính bằng hồ sơ giấy, scan lưu trữ, đồng thời cử người hướng dẫn nhân dân thực hiện ngay trên máy tính.

Ông Phạm Sỹ Chinh, Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Yên Đồng, huyện Yên Mô chia sẻ: "Sau khi nhận được hồ sơ trực tuyến, các giấy tờ liên quan, chúng tôi sẽ scan và chuyển lãnh đạo ký số, chuyển văn thư vào sổ và quay lại bộ phận chuyên môn để trả kết quả cho công dân. Thời gian thì đảm bảo theo quy định, chủ yếu là sớm hạn cho công dân."

Với cách làm linh hoạt, kiên trì, bền bỉ trong suốt một thời gian dài, đến nay, phần lớn người dân trong xã đã hiểu và thấy rõ những tiện ích khi thực hiện thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công. 5 tháng đầu năm 2022, xã đã tiếp nhận 1.292 hồ sơ. Trong đó có 208 hồ sơ thực hiện mức độ 2; 178 hồ sơ thực hiện mức độ 3, còn lại gần 900 hồ sơ thực hiện ở mức độ 4, đạt 58%. 100% hồ sơ của xã đã được ký số và kết nối lên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Chị Lê Thị Hương, Xóm Khê Trung, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô phấn khởi nói: "Trước đây khi đến xã thực hiện các thủ tục hành chính thì tôi phải mang rất nhiều giấy tờ nhưng giờ đây chúng tôi không phải mang nhiều giấy tờ nữa, chúng tôi được hướng dẫn có thể làm ở nhà cũng được. Việc thực hiện chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công rất thuận tiện cho bà con nhân dân."

Giao dịch tại bộ phận "một cửa" xã Yên Hòa, huyện Yên Mô. 

Khi thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính công, khó khăn mà nhiều địa phương trên địa bàn huyện Yên Mô gặp phải là tỉ lệ hộ dân có máy tính chưa cao. Tuy nhiên, nhận thấy đa phần mọi người đều có điện thoại thông minh. Chính vì vậy, các xã đã đưa vào sử dụng ứng dụng Công dân số. Ứng dụng này có tích hợp hướng dẫn đầy đủ, chi tiết giúp mọi người không chỉ khai nộp hồ sơ trực tuyến dễ dàng mà còn có thể tra cứu tình trạng hồ sơ của mình đang được giải quyết ở khâu nào, có đúng thời gian quy định hay không. Khi có kết quả, nhân viên Bưu điện sẽ chuyển đến đúng địa chỉ mà người dân đăng ký nhận, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Với việc thực hiện triển khai đồng bộ chuyển đổi số ở các địa phương, trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn huyện Yên Mô tiếp nhận 14.175 hồ sơ. Trong đó, 1.747 hồ sơ thực hiện mức độ 2; 2.833 hồ sơ mức độ 3 và 9.424 hồ sơ mức độ 4. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, khẳng định huyện đang từng bước xây dựng thành công chính quyền số./.

PV

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?