Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01, ngày 20/4/2021 về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành rất cần sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình
Để thúc đẩy lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, tỉnh đang tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ cho việc tổ chức thực hiện. Nhưng để đạt được thành công bên cạnh việc cung cấp dịch vụ từ phía các cơ quan Nhà nước thì vấn đề mang tính quyết định đó là nhận thức và nhu cầu của người dân. Hiện, rất nhiều thủ tục đã được cung cấp ở mức độ 4, với quy trình nội bộ, quy trình điện tử được đơn giản và chuẩn hóa nhưng số lượng hồ sơ phát sinh nộp trực tuyến vẫn chưa nhiều. Nguyên dân là do nhận thức và nhu cầu của người dân còn hạn chế.
Thực tế trên đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, đi vào thực chất để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong thực hiện các giao dịch hành chính. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền bằng những hình thức phù hợp. Với các thủ tục đơn giản trong 25 nhóm thủ tục hành chính dịch vụ công thiết yếu đã được cung cấp trên môi trường điện tử, như: đăng ký tạm trú, khai sinh, khai tử... người dân có thể tham gia ngay tại nhà.
Trong thời gian tới cùng với việc đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở phục vụ chính phủ điện tử, tích hợp, chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị, từng bước xây dựng, phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thì những cơ chế, chính sách để người dân thấy được lợi ích, chủ động tham gia chuyển đổi số là rất quan trọng.
Ông Đỗ Tiến Thăng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT cho rằng: Trọng tâm thời gian tới là phải triển khai chuyển đổi số đến người dân, đến cộng đồng doanh nghiệp. Làm sao có chính sách để người dân và doanh nghiệp thấy được lợi ich của chuyển đổi số. Như về phí, thời gian thực hiện giao dịch. Vai trò của người đứng đầu. Cần có chính sách và ưu đãi cho người dân để triển khai chuyển đổi số. Bên cạnh đó là đào tạo, hướng dẫn cho người dân, như tại các cơ sở giáo dục.
Để thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 01: Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử; 90% người dân được tiếp cận với các dịch vụ của chính quyền số, đô thị thông minh, rất cần sự đồng thuận và tham gia hưởng ứng từ phía người dân. Qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển KT-XH, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch của các cấp chính quyền; phát huy quyền làm chủ của người dân và phục vụ người dân tốt hơn./.
Thu Dung
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?