Thứ Tư, 05/02/2025
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình 

Thứ năm, 12/01/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Truyền thông chính sách là một phần trong hoạt động của Chính phủ nhằm đưa thông tin về chính sách đến người dân, thuyết phục họ thay đổi nhận thức và hành vi đúng pháp luật, là kênh để chính phủ lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng chính sách mới, điều chỉnh chính sách hiện tại, tạo ra sự đồng thuận xã hội.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác truyền thông, thời gian qua, công tác truyền thông chính sách của tỉnh Ninh Bình luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với quan điểm truyền thông phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân. 

Tỉnh Ninh Bình đã bằng nhiều hình thức như tổ chức các hội nghị trực tiếp, trực tuyến; tổ chức họp báo để chủ động cung cấp thông tin khi tổ chức các sự kiện, chương trình lớn hoặc có những vấn đề phức tạp mà dư luận quan tâm; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và công tác thông tin cơ sở … thông qua đó chủ động, kịp thời tuyên truyền đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống ….

Trong nhiều năm qua, việc học tập Nghị quyết, quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tỉnh Ninh Bình rộng rãi theo hình thức trực tuyến tới tất cả các tổ chức cơ sở Đảng trên phạm vi toàn tỉnh. Đây cũng chính là đổi mới trong hoạt động “truyền thông” về các chủ trương chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống, để từ đó quán triệt, thống nhất ý chí và hành động. 

Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan báo chí làm tốt công tác truyền thông chính sách. Tỉnh Ninh Bình có 3 cơ quan báo chí với gần 100 phóng viên, biên tập được cấp Thẻ nhà báo, 40 phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan báo chí của tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh cơ bản đều đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân để hưởng ứng, góp ý xây dựng và thực hiện chức năng phản biện xã hội. 

Công tác thông tin cơ sở tỉnh Ninh Bình luôn được quan tâm, coi đây là một trong mạch máu gắn kết giữa hệ thống chính trị với nhân dân. Thực hiện Quyết định số 135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ninh Bình đã từng bước triển khai đầu tư xây dựng hệ thống Bảng điện tử công cộng cấp xã và Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 19 Bảng điện tử công cộng cấp xã và 23 Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Ninh Bình là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về trang bị cơ sở vật chất, hiện đại hóa hệ thống thông tin, góp phần đổi mới cách thức, nâng cao chất lượng nội dung thông tin tuyên truyền cơ sở.

Từ việc triển khai công tác thông tin tuyên truyền đi trước một bước đã góp phần quan trọng vào việc kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,06%, công nghiệp duy trì mức tăng trưởng; nông nghiệp được mùa, phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, vượt kế hoạch; dịch vụ phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực du lịch. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên. Tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng trên địa bàn tỉnh mang tầm quốc gia, quốc tế. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Ninh Bình xếp thứ 15/63, Chuyển đổi số xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Ninh Bình cũng còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: 

Công tác truyền thông chính sách mới được triển khai chung chung, đôi lúc còn mang tính hình thức, truyền thông chưa đúng cách và chưa đủ liều lượng dẫn đến chưa thực sự hiệu quả. Chưa có đề án, kế hoạch truyền thông tổng thể, chi tiết cho từng nhóm vấn đề cụ thể để từ đó có lộ trình, bước đi, đội ngũ và nguồn lực triển khai công tác truyền thông một cách bài bản, khoa học và chuyên nghiệp.

Sự bùng nổ của mạng xã hội áp đảo, kiểm soát phân phối thông tin đang chiếm ưu thế dẫn đến không gian truyền thông giờ đây phức tạp và đa dạng, thậm chí có lúc các nguồn thông tin không chính thống có xu hướng lấn át các kênh thông tin chính thống, dẫn đến nhiều tình huống một số cơ quan nhà nước còn bị động, lúng túng trong việc chủ động cung cấp thông tin chính sách hoặc thực hiện công việc này chưa thật sự hiệu quả.

Đại bộ phận các cơ quan, đơn vị không có cán bộ truyền thông chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm, không có kiến thức chuyên ngành về báo chí truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông. Vẫn còn một số ít đài truyền thanh cấp xã hoạt động kém hiệu quả. Trình độ, năng lực của đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở còn hạn chế.

Trong những năm qua, truyền thông chính sách ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có những đóng góp quan trọng vào mọi mặt của đời sống xã hội. Để tiếp tục phát huy vai trò của truyền thông chính sách trong tình hình mới, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ một số giải pháp cụ thể như sau:  

Một là, bảo đảm kết cấu hạ tầng công nghệ, thông tin, truyền thông chính sách cho các chủ thể truyền thông chính sách và cơ sở truyền thông chính sách theo kịp xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, xây dựng môi trường pháp lý cho truyền thông chính sách trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ba là, phát triển kinh tế truyền thông chính sách dựa trên quy luật và thực trạng quan hệ cung - cầu và đặc thù công chúng truyền thông chính sách của quốc gia và địa phương để nghiên cứu, phân tích, dự báo, sử dụng hệ thống mạng của các thành phần thông minh.

Bốn là, nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông chính sách hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng.
Năm là, truyền thông chính sách trong bối cảnh mới phải gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận; nâng cao chất lượng định hướng và hiệu quả quản lý mạng xã hội, củng cố thái độ kiên quyết, nâng tầm trình độ đấu tranh, phê phán của mỗi chủ thể, mỗi con người.

Sáu là, quán triệt và vận dụng quan điểm Đại hội XII, XIII của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hướng đến mục đích, nội dung nhất quán là “bảo đảm được tính dân tộc, giữ gìn “bản sắc dân tộc” một cách vững chắc”; thường xuyên củng cố, kiên định mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thấm nhuần tinh thần dân tộc”; xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. 

Tiến Quang
 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?