Thứ Bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Chuyển đổi số sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam thay đổi vị thế và thứ hạng

Thứ bảy, 19/06/2021

Ngày 18/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan đồng chủ trì hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với 63 tỉnh, thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

 

Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp&PTNT, đại diện các đơn vị có liên quan trực thuộc hai Sở.

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang có tính cấp bách hơn lúc nào hết, nhằm tạo ra nền tảng thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho người sản xuất, cho người kinh doanh, cho người tiêu dùng nông sản và cho cơ quan quản lý chuyên ngành. Tích hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá để chuyển hóa thành thông tin hữu ích, rồi minh bạch hóa sẽ giúp khắc phục tình trạng "mù mờ" "giải cứu" trong ngành nông nghiệp hiện nay.

Lâu nay chúng ta đang chứng kiến một câu chuyện "mù mờ". Người nông dân "mù mờ" về nhu cầu thị trường, việc nuôi trồng thường dựa trên thông tin loáng thoáng, truyền tai nhau. Người kinh doanh nông sản "mù mờ" về nơi sản xuất, khiến việc kết nối tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng "mù mờ" về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ "mù mờ" về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp "mù mờ" về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Một nền nông nghiệp "mù mờ" sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin sẽ giúp chúng ta đi xa hơn. "Việc thay đổi dù khó khăn nhưng bổn phận của chúng ta là phải thay đổi" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trình bày khái lược về những nội dung để chuyển đổi số trong nông nghiệp: Đó không phải là cái gì quá đao to búa lớn mà thực chất là cách làm nông nghiệp khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số. Đơn giản như vào mùa vụ, nông dân cần vốn để sản xuất thay vì đi vay tiền mặt thì họ sẽ vay qua ứng dụng di động và mobile money; việc quyết định trồng cây gì nuôi con gì sẽ dựa vào các dữ liệu về thông tin thị trường, những phân tích về thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết; trong quá trình chăm sóc chỉ cần có thiết bị thông minh chụp ảnh cây trồng gửi đi, sẽ có những chuyên gia tư vấn xác định đó là thứ sâu bệnh gì, phải phòng trừ, chăm bón ra sao… Quá trình tiêu thụ sản phẩm, nông sản sẽ được kết nối giao vận, truy xuất nguồn gốc và đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra một số đề xuất để triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cụ thể: Một là sớm chỉ định, kiện toàn đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số; hai là phổ cập hạ tầng số, điện thoại thông minh, đường internet cáp quang..; ba là thường xuyên, liên tục phổ cập, cập nhật các kiến thức, kỹ năng số cho người nông dân; bốn là phát động sáng kiến AgriTech; năm là điều phối thúc đẩy phát triển, phổ biến một số nền tảng chuyển đổi số quan trọng (nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc).

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số thì những nơi đi sau có thể và thường là đi trước chính vì thế chuyển đổi số sẽ giúp chúng ta thay đổi vị thế và thứ hạng. Khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm của mình trực tiếp đến người tiêu dùng, bán nông sản trong vườn nhà mình không khác gì nông sản ở bất kỳ đâu tức là nông sản không xuất xứ, không thương hiệu mà vì thế mà giá rất thấp. 

Khó khăn của người nông dân là đã nghèo nhưng mua con giống, phân bón không biết có đúng giá, đúng chất lượng không? Các công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng hoàn thiện một sàn thương mại điện tử kết nối mọi người nông dân, mọi người tiêu dùng để tháo gỡ những khó khăn trên cho bà con nông dân. Các doanh nghiệp bưu chính cũng sẵn sàng công nghệ và khả năng để đưa sản phẩm nông sản đến từng hộ gia đình trên toàn quốc mà vẫn đảm bảo độ tươi ngon. 

Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp & PTNT phấn đấu đến hết năm 2023 mỗi hộ nông dân có ít nhất một điện thoại thông minh để truy cập internet, 1 đường cáp quang internet trước năm 2023. Bên cạnh đó, phát triển nhanh các nền tảng đào tạo trực tuyến dành riêng cho bà con nông dân…

Thành Trung

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4492179

Trực tuyến: 25

Hôm nay: 1064

Hôm qua: 8821