Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Tập huấn truyền thông phòng chống tác hại rượu bia, thuốc lá và đồ uống có đường

Thứ năm, 07/07/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Trong hai ngày 5-6/7/2022, tại Ninh Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường và giải pháp kiểm soát tiêu thụ.  

 
Toàn cảnh Hội nghị

Hiểu đúng về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: Đi cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại là sự xuất hiện ngày càng phổ biến các sản phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, cụ thể là: thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường. 
“Việc sử dụng không có kiểm soát đối với các sản phẩm này là nguyên nhân gây ra các căn bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của con người” - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết.


 
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

Theo ông Hải, tại Quyết định số 376 ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 - 2025 đã xác định việc kiểm soát nhằm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm này là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu chung là khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỉ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Với việc nỗ lực thực hiện các mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy việc thông tin, truyền thông là giải pháp chủ đạo để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của các sản phẩm: thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường, qua đó giúp thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm này trong cộng đồng. Bên cạnh đó, truyền thông cũng đóng vai trò là đòn bẩy tích cực góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế nhằm kiểm soát và hạn chế việc sử dụng các sảm phẩm có hại cho sức khỏe, Phó Vụ trưởng Hồ Hồng Hải bày tỏ.

Phó Vụ trưởng Hồ Hồng Hải cũng bày tỏ mong muốn: Hội nghị tập huấn sẽ giúp các phóng viên, biên tập viên cập nhật được những thông tin, kiến thức chuyên sâu về tác hại của các sản phẩm thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường và những kinh nghiệm, giải pháp kiểm soát tiêu thụ. Qua đó, các phóng viên, biên tập viên sẽ cho ra đời những phẩm báo chí có chất lượng để công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm được diễn ra sâu rộng và hiệu quả hơn nữa. 

 Bà Lê Thị Thu, Tổ chức HealthBridge phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thị Thu – Quản lý chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge bày tỏ mong muốn các phóng viên, biên tập viên sẽ có thêm nhiều thông tin, truyền tải tác hại của các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, giảm các tỉ lệ bệnh tật, tử vong do các bệnh do sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bia rượu, đồ uống có đường gây ra. 
Bên cạnh đó, làm sao để có chính sách tốt hơn nữa kiểm soát các sản phẩm thuốc lá, bia rượu, đồ uống có đường. 

Thói quen tiêu dùng thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường tại Việt Nam

Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các diễn giả đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí về: Tác hại của đồ uống có đường và giải pháp kiểm soát tiêu thụ; tác hại của thuốc lá và rượu bia, giải pháp kiểm soát tiêu thụ; tập huấn kỹ năng….

Theo đó, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết mức tiêu thụ rượu bia đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Số liệu Báo cáo toàn cầu năm 2018 ghi nhận, mức tiêu thụ rượu bia bình quân trên người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít/người năm 2018. Con số này cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít/người. Số lượng tiêu thụ như trên đã đưa Việt Nam vào top hai ở khu vực Đông Nam Á, top 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.

 
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia sẻ thông tin tại tập huấn

Ngoài ra, tình trạng uống rượu bia quá độ đến mức nguy hại cũng đã trở nên rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam, chiếm 44,2% nam giới (số liệu năm 2015), tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%). Theo TS.Trần Quốc Bảo, hiện công tác tại Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca tử vong do rượu bia đang ở mức khá cao. Tác hại của bia rượu tạo nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và làm gia tăng các vấn đề xã hội. Trung bình, mỗi năm có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do các bệnh lý ung thư, tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác. Trong số đó, có khoảng hơn 40.800 ca tử vong được xác định là có liên quan đến bia rượu (chiếm khoảng 7,5%).

TS.Bảo cho biết, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 căn bệnh, chấn thương, là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật thuộc danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Trong số 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, rượu bia là yếu tố đứng hàng thứ 2. Tiêu thụ rượu bia cũng đóng vai trò là nguyên nhân hàng đầu gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Nó cũng góp phần đào sâu tình trạng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, gây ảnh hưởng đến các nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Khuyến nghị về tăng thuế để giảm mức tiêu thụ 

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Lâm, thuế rượu bia tại Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp. Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 30%. Trong khi ở nhiều nước, thuế rượu bia chiếm từ 40% đến 85% giá bán lẻ. Vì giá rượu bia của Việt Nam rất rẻ nên sức mua rất cao. Một nguyên nhân nữa là do giá rượu bia tăng chậm hơn nhiều so với mức tăng thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.
Theo đó, năm 1998, giá 10 lít rượu Vodka Hà Nội, rượu vang nội và rượu trắng nội địa lần lượt tương đương 8,2%; 5,9% và 1,6% GDP/người/năm. Đến năm 2014, tỷ lệ này chỉ còn 2,2%; 1,6%; và 0,4%. Mức giảm này cũng tương tự với các sản phẩm bia. Khi giá của rượu bia tăng lên, lượng tiêu thụ và tác hại cũng sẽ giảm. Ngay cả những người uống nhiều hoặc lệ thuộc vào rượu bia cũng sẽ giảm lượng uống khi giá tăng lên. Giá rượu bia tăng 20% có thể làm giảm 13% mức tiêu thụ rượu, bia (giảm 10% mức tiêu thụ bia, 16% mức tiêu thụ rượu mạnh và rượu vang.


 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Tại hội nghị, nhiều ý kiến từ chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, WHO và Tổ chức HealthBridge nhấn mạnh kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế gới cho thấy, cần phải tăng thuế để ít nhất giữ cho sức mua không tăng và cần tăng thuế mạnh để giảm sức mua từ đó giảm thiểu hậu quả đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Việc tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu bia đem lại nhiều lợi ích cho y tế công cộng, kinh tế và xã hội. Những lợi ích này bao gồm: làm giảm tiêu dùng, giảm tử vong, bệnh tật liên quan đến rượu bia, giảm chi phí y tế, cải thiện hiệu quả làm việc, giảm hậu quả về mặt xã hội của lạm dụng rượu bia và tăng thu ngân sách cho Chính phủ. Đây là chính sách hai bên (Nhà nước và người dân) cùng hưởng lợi.

Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung thêm thuế tuyệt đối và chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp để có thể hạn chế các điểm yếu của thuế tỷ lệ như vấn đề chuyển giá và chuyển dịch tiêu dùng giữa các loại sản phẩm./.

Thảo Anh

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?