Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Hội nghị trực tuyến "Xây dựng định hướng phát triển ngành In Việt Nam"

Thứ bảy, 25/04/2020
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 Sáng 24/4, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến "Xây dựng định hướng phát triển ngành In Việt Nam". Tới dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học - Công nghệ; đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; các Sở TT&TT, Hiệp hội In Việt Nam, các cơ sở in…


20200424-l1.jpg

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu kết luận Hội nghị

Theo báo cáo, hiện cả nước có trên 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động in, trong đó chỉ có 2.073 cơ sở in cấp giấy phép hoạt động được phân bố và phân cấp như sau: Phân bố theo vùng: Thành phố Hà Nội: 270 cơ sở in, Thành phố Hồ Chí Minh: 572 cơ sở, Tây Bắc Bộ: 46 cơ sở, Đông Bắc Bộ: 127 cơ sở, Đồng Bằng sông Hồng (không bao gồm Hà Nội): 205 cơ sở, Bắc Trung Bộ: 105 cơ sở, Nam Trung Bộ: 118 cơ sở, Tây Nguyên: 88 cơ sở, Đông Nam Bộ (không bao gồm TP.HCM): 262 cơ sở in (trong đó Bình Dương là 184 cơ sở in), Đồng bằng sông Cửu Long: 280 cơ sở in. Phân cấp Trung ương và địa phương: 135 cơ sở in Trung ương (6,5%) và 1.938 cơ sở in ở địa phương (93,5%). Phân loại theo vốn đầu tư: Doanh nghiệp Việt Nam: 1.599 cơ sở (77,3%); Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài: 285 cơ sở (13,7%); Doanh nghiệp liên kết Việt Nam - nước ngoài: 189 cơ sở (9,1%). Phân loại theo mô hình hoạt động: Đơn vị sự nghiệp: 98 cơ sở (4,3%); Doanh nghiệp: 1.796 cơ sở (87%); Hộ kinh doanh: 179 cơ sở (8,7%). Phân loại theo cơ cấu sản phẩm: Đơn vị có in xuất bản phẩm và các sản phẩm khác: 963 cơ sở (45%); Đơn vị không in xuất bản phẩm (in bao bì, nhãn hàng): 975 cơ sở (55%).

Cũng theo báo cáo, năm 2019, sản lượng ngành in hiện nay vào khoảng 300 tỉ trang A4 tăng 5,4% so với năm 2018, đứng vị trí thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù có sự tụt giảm sâu về nhu cầu in báo, tạp chí và các loại hình văn hóa phẩm khác nhưng với sự tăng trưởng mạnh của ngành Xuất bản trong 2 năm trở lại đây (đạt mức trên 10%/năm), in sách, báo, tạp chí duy trì sản lượng, giữ mức khoảng 30%. In bao bì, nhãn hàng, in thương mại tăng trưởng mạnh và là khu vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 10 năm qua, đạt trên 10%/năm. Đến hết năm 2019, sản lượng in bao bì, thương mại ước tính chiếm khoảng 70% tổng sản lượng toàn Ngành.
 
Doanh thu năm 2018 đạt 91,487 nghìn tỷ (tăng 5,3%); doanh thu năm 2019 đạt 96,976 nghìn tỷ năm 2019 (tăng 5,9%). Lợi nhuận năm 2018 đạt 7.525 tỷ (tăng 11 %); lợi nhuận năm 2019 đạt 8.052 tỷ (tăng 10,7%). Nộp ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 2.203 tỷ (tăng 11,2%); nộp ngân sách năm 2019 đạt 2.313 tỷ (tăng 10,4%).
 
Về nhân lực ngành in, năm 2019: 62.089 người (tăng 10,08% so với năm 2018) và tạo việc làm cho khoảng trên 200.000 lao động phụ trợ khác. Số lao động nam chiếm 61% tổng số lao động. Số lao động được đào tạo dưới mọi hình thức (từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng, đại học) dưới 60%.
 
Tuy chịu sự tác động mạnh của công nghệ nghe nhìn, internet dẫn đến sự suy giảm tốc độ phát triển trong một vài năm trở lại đây, nhưng ngành in vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Ngoài 2 trung tâm in lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đã xuất hiện thêm một số khu vực trọng điểm in có công suất tương đối lớn như: Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, thu hút được nhiều nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó có dòng vốn FDI. Xuất hiện một số doanh nghiệp in qui mô, doanh thu từ 300-1.000 tỷ, tập trung chủ yếu lĩnh vực in bao bì, tham gia được vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất hàng hóa lớn.
 
Bên cạnh những kết quả nêu trên, Ngành In Việt Nam còn những hạn chế như: Quy mô ngành công nghiệp in nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; năng lực công nghệ và năng lực quản trị còn hạn chế; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển (Năng lực đào tạo hiện có của các trường chưa đáp ứng nhu cầu. Tổng năng lực đào tạo của 4 cơ sở hiện nay vào khoảng 300-350 người trong khi nhu cầu nhân lực của Ngành mỗi năm khoảng 2.200-2.500 người. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo rất khó khăn trong tuyển sinh).
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá: Các tham luận, ý kiến đóng góp tại Hội nghị đa số tán thành quan điểm cần thiết phải xây dựng định hướng để phát triển Ngành In Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.
 
Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh: Cục Xuất bản, In và Phát hành cần tiếp thu tối đa những ý kiến xác đáng; đổi mới ngay từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch trong giai đoạn này đảm bảo thiết thực, có tính khả thi cao; quản lý được doanh nghiệp mà vẫn phát triển được; hoàn thiện thể chế, chính sách về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành In nói riêng và toàn ngành Xuất bản nói chung.
 
Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành cần triển khai quy hoạch ngành in; tiến hành sơ kết 7 năm thực hiện Luật Xuất bản; xem những vấn đề gì bất cập đề xuất sửa Luật Xuất bản cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Cục Xuất bản, In và Phát hành cần đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cục nên xây dựng kế hoạch truyền thông cho riêng ngành In và cho cả ngành Xuất bản, In và Phát hành. Mặt khác, Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động đề xuất với Bộ trong quá trình Bộ TT&TT xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực hoạt động của mình…
 

Đăng Quý

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?